Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Nha chương - Biểu tượng quyền lực thủ lĩnh

Biên phòng - Ngày nay, chắc còn ít người biết được về những chiếc nha chương, tuyệt tác đá quý của người Việt cổ. Những chiếc nha chương tinh xảo này vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15-1-2020, công nhận là Bảo vật quốc gia.

asvp_23a
2 chiếc nha chương Xóm Rền. Ảnh: Trịnh Sinh

Cho đến nay, những chiếc nha chương chỉ mới tìm được ở hai địa điểm ở Việt Nam là Phùng Nguyên, thuộc xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao và Xóm Rền, thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ. Đó là hai làng cổ nổi tiếng thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay vào khoảng 3.700-3.400 năm. 

Đáng chú ý là trong số 8 chiếc nha chương phát hiện được, có 2 chiếc tìm được trong một mộ táng ở Xóm Rền vào năm 2006 mà chúng tôi có cơ may tham gia khai quật ngay sau khi người dân phát hiện trong vườn của một gia đình. Mộ táng nằm ở độ sâu 40cm, không còn xương cốt, chỉ còn khá nhiều đồ tùy táng gồm có các mảnh vòng trang sức đeo cổ, 1 rìu đá, 4 vòng đeo tay và 2 chiếc nha chương. 

Vị trí sắp xếp các đồ tùy táng này, chúng tôi nhận thấy phần đầu người chết có khoảng 10 đồ trang sức giống các vòng tay mỏng, 50 hạt chuỗi đá. Hai tay được đeo mỗi bên 2 vòng đá quý có mặt cắt ngang hình chữ T, có đường kính khoảng 12cm. Đáng chú ý, dọc cánh tay phải có chiếc nha chương to, mặt lưỡi hướng lên phía đầu. Dọc cánh tay trái có chiếc nha chương nhỏ, mặt lưỡi hướng về phía chân. 

y4v9_23b
4 chiếc vòng đeo tay được chôn cùng nha chương. Ảnh: Trịnh Sinh

Chiếc nha chương to có hình dáng là một thanh đá dài và dẹt, đá màu trắng vân xám. Phần chuôi hình chữ nhật, có lỗ ở giữa chuôi. Phần lưỡi có 2 ngạnh nhọn như hình đuôi cá và được mài vát một bên. Giữa chuôi và lưỡi có những mấu nhô ra được mài giũa khá tinh tế. Chiều dài của chiếc nha chương này đạt kỷ lục trong số các nha chương tìm được ở nước ta: Dài 63cm, chỗ rộng nhất 11cm. Kỹ thuật chế tạo chiếc nha chương này khá tinh xảo. Toàn thân được mài nhẵn bóng dường như không có một vết ghè đẽo.

Thời bấy giờ chưa có dụng cụ kim loại, người xưa đã dùng những lưỡi cưa đá, khoan đá và sự kiên nhẫn để tạo ra một sản phẩm tuyệt hảo đến vậy. Hai bên nha chương phẳng lỳ, nổi lên những đường vân đá ngọc. Có lẽ, những thợ làm đồ đá mỹ nghệ ngày nay cũng chỉ làm được đến thế là cùng. Chưa kể, người xưa chế tạo nha chương chỉ từ đá mà không bằng công cụ đồng hay sắt như giai đoạn sau đó. 

Chiếc thứ hai có dáng hình gần giống chiếc thứ nhất nhưng nhỏ hơn, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn hơn là hình đuôi cá. Hiện vật có màu trắng, vân màu hồng. Chiều dài 32,4cm, chiều rộng 7,7cm. Toàn thân cũng được mài bóng và không có vết ghè đẽo. 

Để tạo ra được những chiếc nha chương tuyệt đẹp người Việt cổ đã chọn đá ngọc nephrite hay jade để làm chất liệu. Những đá ngọc dường như người cổ đại phải chuyển từ những mỏ đá xa xôi, có thể ở tận Miến Điện về để chế tạo. Sau nữa, người thợ đá phải kiên nhẫn đẽo, mài, khoan, đánh bóng trau chuốt mới được sản phẩm đẹp long lanh, nhẵn bóng như vừa mới được làm hôm qua chứ không phải đã nằm trong đất đến gần 4.000 năm. 

fxzt_23c
Hạt chuỗi và đồ trang sức đeo cổ. Ảnh: Trịnh Sinh

Những chiếc nha chương có chức năng gì? Mặc dù chúng được chôn trong mộ cùng với nhiều vòng cổ, hạt chuỗi, vòng tay cũng bằng đá quý, nhưng nha chương không chỉ là một vật trang sức, mà còn mang chức năng khác quan trọng hơn: Vật biểu thị quyền lực, như ấn, kiếm, lệnh bài, quyền trượng... Vì không phải ai cũng có thể sở hữu nha chương, do nó là đồ quý bằng ngọc, đòi hỏi tay nghề tinh xảo. Thư tịch cổ có nói đến loại nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn thú. Có lẽ, đây là một vật có hình dáng một loại vũ khí cách điệu để làm đồ nghi lễ, biểu tượng quyền lực thủ lĩnh. Nha chương được khoan lỗ ở phần chuôi còn cho phép chúng ta liên tưởng đến việc người xưa có lắp cán dài và buộc dây qua lỗ, giống như một loại vũ khí đương thời là chiếc “qua” đá (loại vũ khí được lắp cán dài như chiếc câu liêm). Dường như, khi thủ lĩnh cầm chiếc nha chương này giơ lên sẽ đủ uy để điều khiển quân lính của mình.

Việc tìm được trong một ngôi mộ có 2 chiếc nha chương ở Xóm Rền cách đây gần 4.000 năm đã mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Đó là bằng chứng của đỉnh cao chế tạo đá ngọc của người Việt cổ. Nơi phát hiện cũng là một nơi tụ cư đông đúc, lại cách vùng Đất Tổ không xa, đã chứng tỏ khu đất nằm giữa sông Lô và sông Hồng này đã từng có những thủ lĩnh của tộc người hùng mạnh mà sau này góp phần dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng.

Giáo sư Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO