Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 02:08 GMT+7

Bảo tàng Biên phòng là "trường học" về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Bảo tàng Biên phòng đã hoàn thành bổ sung tư liệu, hiện vật mới, nâng cấp toàn diện hệ thống trưng bày để mở cửa giới thiệu, đón khách tham quan, đặc biệt hướng tới thu hút các thế hệ trẻ tìm hiểu về truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

h53gwq2mlz-25323_f_k72o9jc11_IMG_9734
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Biên phòng tại Triển lãm - Hội chợ Việt Bắc năm 2020. Ảnh: Trọng Phương

Bảo tàng Biên phòng được thành lập ngày 15-10-1969, là Bảo tàng hạng 2 cấp quốc gia, loại hình Bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP, trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử truyền thống, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Bảo tàng Biên phòng đang quản lý, lưu giữ hơn 12 nghìn tư liệu, hiện vật gốc, là một trong những bảo tàng giữ vị trí quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những kỷ vật biên cương của BĐBP.

Được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP, tháng 9-2018, Bảo tàng Biên phòng đã khởi công công trình trưng bày tư liệu hiện vật, đến nay đã hoàn thành. Với không gian trưng bày được thiết kế hiện đại, logic theo tiến trình lịch sử, kết hợp giữa phương pháp trưng bày dân tộc và hiện đại, chất liệu phong phú, bền vững, đạt tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được yêu cầu hoạt động xã hội hóa bảo tàng trong xu thế hiện đại. Gần 2.000 tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng, trong đó có một số bộ sưu tập và hiện vật quý, phản ánh quá trình hình thành các tuyến biên giới đất liền, biển đảo, truyền thống đấu tranh bảo vệ biên giới của ông cha ta; những hoạt động, chiến công, thành tích của CANDVT, BĐBP - lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

yri8mt4zck-25323_f_k72od0qj2_2
Cọc Bạch Đằng là một trong những vũ khí của quân dân nhà Trần, sử dụng tiêu diệt quân Nguyên Mông năm 1288. Ảnh: Trọng Phương

Tiêu biểu là bộ sưu tập cột mốc quốc giới qua các thời kỳ, duy nhất chỉ có ở Bảo tàng Biên phòng, với 19 hiện vật gốc và mô hình cột mốc quốc giới cổ, cũ (được cắm theo Hiệp ước biên giới Pháp - Thanh năm 1887, Pháp - Campuchia năm 1873) và cột mốc mới hiện nay. Hệ thống các Châu bản triều Nguyễn, văn bản hành chính của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bản đồ, bia chủ quyền Hoàng Sa năm 1938 nhằm khẳng định việc xác lập chủ quyền của các triều đình nhà Nguyễn và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cọc Bạch Đằng là một trong những vũ khí của quân dân nhà Trần, sử dụng tiêu diệt quân Nguyên Mông năm 1288, đây là vũ khí độc nhất vô nhị trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam được cả thế giới khâm phục... Những bằng chứng thể hiện việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và truyền thống đánh giặc ngay từ cửa ngõ đất nước của ông cha ta trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bộ sưu tập hiện vật dụng cụ tự tạo của các chiến sĩ cảnh vệ (đơn vị tiền thân của CANDVT) sử dụng bảo vệ, phục vụ Bác Hồ và Bộ Chính trị khi làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc (1946 - 1954); bộ sưu tập ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng CANDVT; bộ sưu tập ảnh, hiện vật về công tác bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời của Đồn Hiền Lương, Cửa Tùng từ năm 1954.

Bộ sưu tập hiện vật của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, Đồn Leng Su Sìn, CANDVT tỉnh Lai Châu (nay thuộc BĐBP Điện Biên); nhóm hiện vật của quần chúng nhân dân tham gia, giúp đỡ CANDVT trong công tác tiễu phỉ, chống gián điệp biệt kích… và nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, vì nước quên thân của chiến sĩ CANDVT trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, những chiến sĩ quân tình nguyện giúp đỡ nước bạn Lào và Campuchia.

d065yatrvl-25323_f_k72od5253_3
Kiềng-Nồi hơi các đồng chí trong Tiểu đội bảo vệ Bác và Bộ Chính trị tại Chiến khu Việt Bắc đã sáng tạo dùng củi đun tạo ra điện phục vụ Bác và Bộ Chính trị làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc năm 1946 -1954.  Ảnh: Trọng Phương

Bằng giải pháp trưng bày nghệ thuật, sinh động, hấp dẫn, với nhiều tư liệu, hiện vật đã giúp người xem hiểu rõ được công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà BĐBP là lực lượng chuyên trách. Trưng bày đã làm nổi bật những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới, tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, cứu hộ cứu nạn, hình ảnh thầy giáo, thầy thuốc quân hàm xanh luôn tỏa sáng trên vùng cao biên giới cùng với các phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo; Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Pháp lệnh BĐBP, Luật biên giới quốc gia, Nghị quyết 33 ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các lực lượng từ Trung ương tới địa phương trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

lvhfd9weq0-25323_f_k72od8vw4_4
Ba toong (gậy có kiếm) - Bác Hồ dùng để chống khi trèo đèo, lội suối, đồng thời là vũ khí tự vệ của Bác thời kỳ 1945-1954 tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Trọng Phương

Những tư liệu, hiện vật giá trị trên được lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua tại Bảo tàng Biên phòng và đang được cán bộ, nhân viên bảo tàng tiếp tục sưu tầm, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị trong các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân ở khắp miền biên cương Tổ quốc, đặc biệt các thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên ở các trung tâm đào tạo, trường học, học viện trong và ngoài quân đội suốt những năm qua.

Với hệ thống trưng bày hiện đại, dễ tiếp cận hiện nay mới được hoàn thành và đưa vào hoạt động, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Biên phòng phát huy truyền thống 50 năm qua, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lễ tiết tác phong; thái độ phục vụ, tiếp tục sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật vào kho tàng lịch sử truyền thống của BĐBP, không ngừng đổi mới và làm phong phú thêm các hoạt động, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống để Bảo tàng Biên phòng thực sự là một địa chỉ đỏ tin cậy, hấp dẫn, thu hút nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu; là một trường học tốt về lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ biên giới của ông cha ta, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, di sản văn hóa quân sự BĐBP, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Nguyễn Trọng Phương

Bình luận

ZALO