Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Lành mạnh thương mại điện tử

Biên phòng - Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) đạt mức 13,7 tỷ USD.

Để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng các chuyên gia đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện nền tảng TMĐT vững chắc hơn, để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ảnh: Internet

Bên cạnh những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước, TMĐT cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đặc biệt, việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng cấm trên các nền tảng TMĐT rất khó khăn.

Mỗi năm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận được gần 1.000 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch, mua bán trên các nền tảng trực tuyến về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Bộ Công Thương cảnh báo, hành vi gian lận trên TMĐT sẽ gia tăng trong thời gian tới, bởi thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là các website và các trang mạng xã hội bán hàng online dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm tra, xử lý. Thậm chí, nhiều đối tượng bán hàng online không có kho hàng hay cửa hàng giao dịch.

Ngay cả các trường hợp vi phạm rõ ràng nhưng chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch, kiểm tra, lập biên bản vi phạm... Trong khi sự phối hợp xử lý vi phạm giữa các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng... còn hạn chế.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các sàn TMĐT ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thế nhưng, việc ứng dụng giải pháp này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để vượt qua bộ lọc. Mặt khác, các sàn TMĐT chưa đầu tư đúng mức cho nhân lực và kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT trong năm nay có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay và sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.

Để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng các chuyên gia đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện nền tảng TMĐT vững chắc hơn, để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo đó, phải xây dựng thể chế, khung pháp lý đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng mới có căn cứ để vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.

Việc lập lại kỷ cương trên không gian mạng, đòi hỏi mỗi người tiêu dùng nâng cao ý thức trong hoạt động giao dịch, mua bán online, nhất là ý thức tố giác tội phạm để các cơ quan chức năng xử lý; kiên quyết không tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh không đúng theo quy định của pháp luật.

Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò quyết định tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh, minh bạch trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO