Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang

Biên phòng - Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn có sự quan tâm đặc biệt đến đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Bằng những chủ trương, biện pháp và cách làm phù hợp đã làm thay đổi đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang đầu tư phát triển kinh tế từ trồng rau màu. Ảnh: CTV

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên là 6.348,53km2, có hơn 200km bờ biển, 58km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Dân số toàn tỉnh có 423.282 hộ, trên 1,7 triệu người. Trong đó, đồng bào các DTTS có 65.455 hộ, với 275.009 người, chiếm 15,48% (có hơn 13% đồng bào Khmer và 2,7% đồng bào dân tộc Hoa).

Công tác giáo dục trong đồng bào DTTS được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện khá tốt. Năm học 2018-2019, học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh được thi, xét tốt nghiệp các cấp học đạt tỷ lệ khá cao, chiếm từ 93% đến 95%. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú từng bước được xây dựng đạt chuẩn, chất lượng dạy và học được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên là người DTTS không ngừng được nâng lên (số lượng giáo viên là người DTTS trong toàn tỉnh hiện nay có 1.236/16.184 giáo viên, chiếm tỷ lệ 7,63% giáo viên của toàn tỉnh).

Chính sách dạy chữ Khmer trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được quan tâm thực hiện tốt. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 33 điểm trường dạy chữ Khmer, huy động 5.724 học sinh theo học; mở được 3 lớp dạy chương trình chữ Khmer cho 220 cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chính sách dạy và học chữ Khmer trong dịp hè ở các chùa Khmer được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện, tỉnh đã cấp kinh phí 591 triệu đồng mua sách giáo khoa Khmer ngữ và hỗ trợ giáo viên ngoài biên chế dạy chữ Khmer. Hè năm 2019, đã tổ chức mở 293 lớp dạy chữ Khmer cho 5.675 sư sãi và con em đồng bào dân tộc Khmer theo học, góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Các chương trình y tế quốc gia, các chính sách về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, có 70% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, có trên 50% hộ chăn nuôi chuồng trại hợp vệ sinh. 100% các điểm trường, trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo là đồng bào Khmer, vùng khó khăn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong năm, tỉnh đã cấp được 86.846 thẻ Bảo hiểm y tế cho đông bào DTTS ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người dân sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn 42 xã, với kinh phí 32 tỷ đồng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ y tế là người DTTS ngày càng được nâng lên về số lượng; số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia có 114/145 trạm, chiếm 78,62%.

Chính sách giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer luôn được quan tâm. Trong đó có việc hỗ trợ đồng bào Khmer sửa chữa ghe ngo, dàn nhạc ngũ âm và nhiều bộ âm thanh cho chùa Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer; tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang và cử đoàn tham dự Lễ hội Ok Om Boc Khmer ở tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được duy trì và tổ chức thường xuyên, mức hưởng thụ văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên. Đến nay, đã có trên 95% hộ đồng bào Khmer có phương tiện nghe - nhìn. Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer đã được tăng thêm thời lượng và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, thực hiện khá tốt việc cấp miễn phí một số báo, tạp chí cho các địa phương, các trường học vùng đồng bào Khmer và các chùa Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer.

Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào tham gia hưởng ứng tích cực, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer được công nhận gia đình văn hóa chiếm trên 85% so với hộ dân tộc trong tỉnh. Nhìn chung, đồng bào dân tộc đã thích nghi với đời sống văn hóa tiến bộ, đến nay, cơ bản không còn tình trạng hoạt động mê tín dị đoan và các phong tục tập quán lạc hậu.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang hỗ trợ gạo, mì gói cho đồng bào dân tộc Khmer khó khăn ở phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Ảnh: TTXVN

Có thể nói, đây là những minh chứng rõ nét cho thấy sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Kiên Giang đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt các chính sách nhằm tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc Khmer ở các cấp học phổ thông có điều kiện học tiếng dân tộc Khmer; thực hiện tốt chính sách xét tuyển học sinh dân tộc vào trường đại học dự bị, phổ thông dân tộc nội trú, trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú.

Cùng với đó, tạo điều kiện khôi phục lại các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là vận động thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với đồng bào nghèo ở vùng khó khăn và hộ nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Hồng Chuyên

Bình luận

ZALO