Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 09:13 GMT+7

Mùa trăng no ấm của đồng bào Khmer

Biên phòng - Đồng bào Khmer Nam bộ có 8 dịp lễ trọng trong một năm, trong đó chỉ có một ngày lễ Chol Chnam Thmay vào năm mới giữa tháng 4 theo tích Balamon giáo. Còn lại 7 ngày lễ khác đều là lễ Phật mà lễ cúng trăng (Ok Om Bok) diễn ra vào những ngày trăng sáng của tháng 10 âm lịch là ngày lễ quan trọng hơn cả đối với dân tộc sùng đạo Phật như người Khmer.

l28m_21a
Người dân chuẩn bị cây bông dâng lên chùa. Ảnh: Thụy Văn 

Lễ Ok Om Bok còn gọi Ok Angbok là lễ chào mặt trăng. Cái tên này được hiểu giản dị theo tiếng Khmer là Ok - nghĩa là đút vào miệng, angbok - nghĩa là cốm dẹp - một loại cốm làm từ gạo nếp đặc biệt thơm ngon. Lễ cúng trăng (lễ đút cốm dẹp) không thể thiếu được cốm dẹp - món ăn tinh khiết, thanh sạch và ngon lành nhất của vụ mùa mới thu hoạch. Vì vậy, lễ cúng trăng cũng là lễ tạ ơn mùa màng, trời đất, con nước và thần linh đã mang đến một vụ mùa no ấm. Dân tộc Khmer phân bổ cư trú ở các vùng đất gắn với các dòng sông và vùng cửa sông. Chế độ thủy triều và lịch mặt trăng đóng vai trò rất lớn trong đời sống và tập quán sản xuất nông nghiệp của đồng bào. 

Lễ Ok Om Bok diễn ra vào thời điểm kết thúc chu kỳ chuyển động của mặt trăng trong năm. Đây cũng là chu kỳ cạn nhất của các con sông theo tính toán của nông dân thâm canh lúa nước. Điều thú vị là lễ cúng trăng có nguồn gốc trong kinh Phật nhưng không phải là lễ của riêng các ngôi chùa. Đây là ngày hội của những người nông dân, mang tính khích lệ tinh thần và sự siêng năng cày cấy, gieo trồng. Nỗ lực mang đến mùa màng bội thu, tìm ra cách trồng trọt để có cây trái to lớn vượt lên, hay là cây trồng có củ to dùng để cúng Phật là ý chí thuộc về nếp nghĩ truyền thống của người Khmer. 

Trước đây, mỗi khi vào mùa cúng trăng, thường là các gia đình đã kết thúc mùa thu hoạch, nghỉ ngơi, tổ chức tiệc tùng, sau đó dâng lên chùa cúng Phật. Tập quán trong các phum sóc là đi thuyền theo kênh rạch tới chùa lớn. Những ngôi chùa cả vào mùa trăng tháng 10 tấp nập ghe thuyền chở đầy cây trái dâng cúng, toàn là những cây trái to nhất, ngon nhất được tuyển chọn từ khắp nơi gửi về. Con kênh rạch chảy qua các ngôi chùa lớn bỗng dưng trở thành nơi tập kết cây trái, có khi cả cây kiểng, cây giống cho mùa vụ mới. Bà con không chỉ dâng cúng vào chùa, mà còn giao thương hoán đổi cho nhau, tạo ra một phiên chợ nườm nượp không khí lễ hội rất thú vị ở bên ngoài các ngôi chùa. Nhà chùa có khi còn xây dựng các khu nhà lợp mái, kiến trúc duyên dáng soi bóng xuống dòng kênh lấy chỗ để bà con neo lại, nghỉ ngơi chờ vào chùa dâng lễ. Hiện nay, các ngôi chùa lớn ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn dấu tích của bến thuyền lớn trước cửa chùa, nay người dân đi đường bộ, phiên chợ ghe thuyền mùa trăng cũng không còn nữa.

Tôi may mắn có mặt ở Trà Vinh, nơi bà con người Khmer vẫn giữ nguyên nét đẹp của lễ cúng trăng tháng 10 để chứng kiến nghi lễ này ở những gia đình Khmer khi họ đang chuẩn bị lễ dâng lên chùa. Vào trước ngày lễ, cả gia đình lớn gồm những người làm ăn xa quê hay đã lập gia đình riêng đều trở về quê cũ. Vui nhất là công đoạn giã cốm dẹp, cắm cây bông. Gạo nếp mới mang rang nổ rồi trút vào cối đâm cho dẹp, sàng sẩy sạch. Để tạo thành món ăn, cốm dẹp được ngào trộn với đường cát và dừa khô nạo ủ trong vài giờ để cốm dẻo quẹo, mềm và thơm lừng mùi cốm nếp mới trộn với nước dừa. Vào thì hiện tại này, được trải nghiệm làm cốm dẹp ở các gia đình là việc hiếm. Đa số các bà, các chị mua lại ở chợ cho nhanh. Tuy vậy, dù có thể làm tắt vài công đoạn, nhưng việc trang hoàng mâm lễ không thể thiếu thứ cây trồng nào mà bà con đã thu hái trong năm. 

Điều ngạc nhiên nhất với tôi là tuy tôi không phải khách mời của gia đình người Khmer đang chuẩn bị lễ cúng, nhưng họ đón tiếp tôi bằng vẻ mừng rỡ và trọng thị đến không ngờ. Ông Thạch Kha, chủ nhà giải thích với tôi, người Khmer quan niệm rằng, trong mùa lễ cúng trăng, nếu bỗng dưng gia đình có khách lạ tới thăm thì đó là một điều may mắn, một dấu hiệu cho thấy những cầu nguyện thiện lành của họ đã được Phật độ. Vậy là tôi được ở lại với những chị em học cách giã cốm dẹp, ở bên các bà má học cách gài những bông cúc vàng trắng nhỏ xíu lên cuống lá dừa nước để dâng lên chùa.

Xung quanh đó, trẻ nhỏ chơi đùa bên các mâm lễ dâng bông sặc sỡ màu sắc. Cả phum sóc rộn ràng tiếng nhạc của dàn nhạc dân tộc truyền thống vì ông Thạch Kha đã thuê nguyên một ban nhạc ngũ âm đến nhà biểu diễn. Ban nhạc này gồm toàn các tiểu nhạc công măng sữa. Các em đang học  trung học phổ thông và là thành viên câu lạc bộ chơi nhạc truyền thống của nhà trường. Mỗi mùa lễ Tết, các em lại được dịp thể hiện tài năng chơi nhạc mà mình đã theo đuổi, học lại nhiều năm qua từ những bậc cao niên truyền lại. Ý thức về sự tiếp nối văn hóa của người Khmer luôn được họ rất coi trọng từ những điều nhỏ nhất như thế. 

Đúng đêm trăng rằm tháng 10 âm lịch, nhiều gia đình quây quần lại bên những mảnh chiếu trải rộng ở chùa. Đèn thắp lên, mọi người mặc trang phục truyền thống mới và nghiêm ngắn, sắp mâm lễ vật cúng trăng và quỳ xuống vái lạy. Những đại đức trụ trì chùa được kính trọng kể về tích Phật Thích Ca trong tiền kiếp đã hy sinh thân mình để cứu độ chúng sinh theo kinh Phật. Sư tăng làm nghi lễ đút cốm dẹp cho mọi người và trẻ nhỏ ăn lấy phước. Các bài hát dù kê được diễn xướng, nam thanh, nữ tú múa điệu lâm thôn cổ truyền trong khi ai nấy quây quần ăn cốm dẹp, khoai môn, dừa, khoai mì, nước mía, chuối chín... cùng cầu nguyện về một vụ mùa bội thu sắp đến. 

wz0h_21b
Ban nhạc trẻ chơi nhạc truyền thống. Ảnh: Thụy Văn 

Một hoạt động không thể thiếu được trong mỗi mùa lễ cúng trăng ở phum sóc Khmer là đua ghe ngo. Đây không chỉ là một môn thể thao, văn hóa dân gian, mang tinh thần thượng võ miền sông nước, mà còn là một nghi lễ nông nghiệp đưa nước từ sông ra biển, tạ ơn thần nước đã cho một năm mùa màng tốt tươi. Những năm gần đây, vào dịp lễ cúng trăng hàng năm, hội đua ghe thường được tổ chức từ cấp huyện, lên tỉnh và cuối cùng là vòng thi liên tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại Sóc Trăng - địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Mỗi đội đua đại diện cho một hoặc nhiều phum sóc có các ngôi chùa lớn đang tại vị. Người Khmer Nam Bộ chờ đợi và háo hức với hội đua ghe tới nỗi những ngày trăng sáng tháng 10 khăn gói từ mọi miền tụ về Sóc Trăng, trên dòng sông đầy ắp phù sa để cổ vũ các đội đua, thực hành tín ngưỡng tôn kính với thần nước và duy trì niềm tin rằng đấng thần linh chế ngự những con nước, để mùa màng bội thu, việc làm ăn xuôi chèo mát mái.  

Một điều đặc biệt ở các ngôi chùa Khmer, đó là phật tử có thể coi chùa là nhà. Nhiều người từ xa đến dự lễ Ok Om Bok có thể trải chiếu nằm ngay trong đại điện linh thiêng thờ Phật chờ cổ vũ hội đua ghe xong mới cuốn chăn chiếu ra về đợi đến hội đua năm sau. Cả miệt đồng bằng mỗi mùa trăng đều cầu mong con nước yên bình phù sa tươi tốt cho cả con người và cảnh vật.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO