Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

“Đòn bẩy” giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững

Biên phòng - Tỉnh Kiên Giang có gần 65 nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống tập trung ở các xã vùng nông thôn, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tại các xã đặc biệt khó khăn, đã giúp đồng bào Khmer có vốn, tư liệu sản xuất, tạo được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

gja0_12a
Ông Danh Điền chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Phương Nghi

Một trong những “đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế của đồng bào Khmer là nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang. Ông Đoàn Công Thiệt, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Kiên Giang cho biết: Dư nợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vay của NHCSXH tỉnh Kiên Giang là 332 tỉ đồng, trong đó, hơn 262 tỉ đồng đầu tư cho đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định xã hội, nâng cao dân trí cho bà con.

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho 9.329 lao động có việc làm, 1.842 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; xây dựng hơn 5.103 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, 903 nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách; 1.886 hộ được đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho 583 hộ đồng bào DTTS được sinh sống trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ...

“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế hộ đồng bào DTTS, giải quyết căn bản những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống, nâng cao dần trình độ quản lý sản xuất cũng như năng lực sử dụng vốn vay vào mục đích thoát nghèo của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; giúp đồng bào thêm tự tin vươn lên trong cuộc sống” - Ông Thiệt nói.

Nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ đồng bào Khmer Kiên Giang đã tổ chức sản xuất tốt, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Danh Điền, ở ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Được vay vốn chính sách, mua bò sinh sản về nuôi, với sự cần cù, chịu khó của mọi người trong gia đình, đàn bò nhà ông tăng từng năm.

Năm 2017, ông Điền còn được tiếp cận vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cộng với số tiền tích lũy từ chăn nuôi, trồng trọt, vay thêm họ hàng, ông đã xây mới được nhà ở. “Hiện nay, gia đình tôi có đàn bò 6 con, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi thì chắc chắn cuộc sống gia đình tôi còn khó khăn trăm bề” - Ông Điền nói.

Gia đình ông Danh Hoàng, ở ấp An Thuận, xã Định An, huyện Gò Quao được vay vốn NHCSXH để sản xuất đã thoát nghèo, lại được vay tiếp, ông vui vẻ cho biết: “Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ mới thoát nghèo, tôi đầu tư trồng 2.000m2 cây màu (dưa hấu, khổ qua). Mỗi năm, gia đình tôi làm 2 vụ, trừ chi phí, lãi hơn 20 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư làm thêm 4.000m2 ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa. Vợ tôi đi bán rau củ quanh xóm, mỗi ngày cũng lời được khoảng 150 nghìn đồng. Nhờ có phương án sản xuất rõ ràng, giờ kinh tế gia đình tôi rất ổn định”.

Gia đình bà Danh Thị Sà Vươn, ấp Huỳnh Tố, xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng là một trong những hộ nghèo nhất ấp. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, bà được Hội Phụ nữ xã giới thiệu làm thủ tục vay vốn hộ nghèo. Từ nguồn vốn 10 triệu đồng vay ban đầu, bà đầu tư mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày, chạy chợ buôn bán, lấy công làm lãi, tích cóp thêm vốn rồi nuôi heo, nuôi vịt.

Bằng sự chịu thương, chịu khó, bà đã làm nên điều kỳ diệu là xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế. Bà Vươn bộc bạch: “Cuộc sống khá giả như hôm nay của gia đình tôi đều bắt đầu từ vốn vay ưu đãi hộ nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng, chẳng biết đến bao giờ nhà tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo”.

8fqt_12b
Ông Danh Hoàng chăm sóc ruộng dưa hấu được đầu tư từ nguồn vốn ưu đãi cho thu lãi 20 triệu đồng/năm. Ảnh: Phương Nghi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng khẳng định: Chương trình 135 là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình đã mang đến sự đổi thay căn bản cho các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ổn định cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có sự đóng góp rất lớn của hệ thống NHCSXH. Đây là “đòn bẩy” giúp đồng bào Khmer Kiên Giang thoát nghèo bền vững.

“Bên cạnh đó, Kiên Giang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Tạo vốn vay ưu đãi gắn với hỗ trợ điều kiện sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững để hộ nghèo học tập, làm theo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, Kiên Giang chỉ còn 18.252 hộ nghèo (theo tiêu chí tiếp cận đa chiều), chiếm 4,14%, giảm 2,06% so với cuối năm 2017; hộ cận nghèo là 20.597, chiếm 4,68%, giảm 0,12% so với cuối năm 2017. Trong đó, DTTS thiểu số còn 4.854 hộ nghèo chiếm 7,29%, giảm 3,3% so với cuối năm 2017; hộ cận nghèo còn 4.812, chiếm 7,23%, giảm 0,09% so với cuối năm 2017” - Bà Phụng nói.

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS đang thay đổi từng ngày. Các công trình điện, đường, trường, trạm và nước sạch ở vùng đồng bào dân tộc Khmer được đầu tư đồng bộ, kiên cố. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH được đông đảo đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sử dụng hợp lý, có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO