Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:41 GMT+7

Châu Âu với “vũ khí” sống chung với Covid-19

Biên phòng - Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đến nay, vaccine vẫn được khẳng định là “vũ khí” hữu hiệu nhất, thực tế nhất để nhân loại có thể sống chung với dịch bệnh.

Tất cả người dân đều đeo khẩu trang tại ga đường sắt King’s Cross ở Thủ đô London, Anh ngày 12-7. Ảnh: REUTERS

Sự khác biệt

Hình ảnh của một cuộc sống bình thường như trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện dường như đang là một điều xa xỉ đối với bối cảnh chung của thế giới hiện nay. Bởi, các biến thể mới của loại virus này đang khiến số ca nhiễm bệnh ở phần lớn thế giới liên tục tăng cao và diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường.

Dù là châu lục cho ra đời nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 nhưng châu Âu vẫn chứng kiến mức tăng mạnh số ca nhiễm mới mỗi ngày. Cụ thể, trong chu kỳ 8 ngày, “lục địa già” ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới. Kể từ khi xuất hiện đến nay, trong hơn 1 năm, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu người châu Âu, chiếm 31% số ca tử vong trên toàn cầu. Trong khi đó, số ca nhiễm ở châu Âu đã vượt ngưỡng 50 triệu ca, chiếm 27% tổng số ca nhiễm toàn cầu. Là quốc gia đầu tiên công bố sở hữu vaccine ngừa Covid-19, Nga hiện vẫn là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca nhiễm ở ngưỡng 6 triệu ca.

“Làn sóng” dịch bệnh mới liên tục được nhiều quốc gia công bố. Điển hình như Pháp, quốc gia hơn 65 triệu dân này đã công bố đợt bùng phát dịch thứ 4 vào tuần này, trong bối cảnh nhiều ngày qua liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm trên 10.000 người/ngày. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, số lượng ca nhiễm mỗi ngày hiện nay vẫn thấp so với các đợt bùng phát dịch trước đây, song, dịch bệnh diễn tiến rất nhanh với tốc độ lây lan nhanh hơn so với 3 đợt bùng phát dịch trước.

Tốc độ lây lan nhanh hơn là một trong những sự khác biệt đáng chú ý của tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đều chung khẳng định rằng, có một sự khác biệt đáng kể giữa các làn sóng dịch bệnh. Cụ thể là số lượng ca nhiễm có diễn biến nặng, buộc phải nhập viện và tử vong đều giảm mạnh so với những làn sóng dịch bệnh trước đây.

Minh chứng rõ nét cho sự khác biệt này là Vương quốc Anh với số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày và là 1 trong 3 quốc gia có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới, cùng Brazil và Indonesia. Dẫu vậy, số ca nhập viện và số ca tử vong do Covid-19 đều giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong hiện thấp hơn 1/1.000 ca nhiễm, so với tỷ lệ 1/60 vào cuối năm ngoái.

Giới chức và các nhà khoa học của quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 này đánh giá, chương trình tiêm chủng được triển khai mạnh mẽ đã tạo nên hiệu quả rất lớn, giúp đạt được tỷ lệ giảm này. Cơ quan chức năng của Anh đánh giá, hiệu quả ngăn ngừa số ca nhập viện do mắc Covid-19 ở người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine lên tới trên 90%. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, ngay cả khi đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19, song, dù bị nhiễm, vắc xin sẽ bảo vệ con người khỏi các triệu chứng nghiêm trọng, hạn chế hiệu quả nguy cơ tử vong.

Tương tự, tại Đức, khoảng 58,7% dân số Đức đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 43% dân số được vaccine bảo vệ hoàn toàn. Đánh giá về những tín hiệu tích cực tại quốc gia này, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, vaccine đã tạo ra sự khác biệt giữa các làn sóng dịch bệnh, dù số ca nhiễm mới tăng lên, song, mức độ bệnh nghiêm trọng đã giảm.

“Mở cửa” hay “cứng rắn”?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu, nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tăng ở “lục địa già” vừa qua xuất phát từ việc các quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thúc đẩy sự gia tăng các hoạt động sinh hoạt công cộng.

Quang cảnh một điểm tiêm chủng ở Thủ đô Berlin, Đức vào ngày 17-7. Ảnh: REUTERS

Đầu tuần này, chính phủ Anh đã đưa ra quyết định gây tranh cãi lớn không chỉ tại nước này mà còn trong cộng đồng quốc tế khi chính thức dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 19-7. Nhiều học giả quốc tế đánh giá rằng, việc thắt chặt các biện pháp giãn cách, lệnh phong tỏa... vốn là giải pháp giúp nước Anh khống chế dịch bệnh trong thời gian qua. Nếu như nay dỡ bỏ, nhất là trong bối cảnh có nhiều dự báo về việc số ca nhiễm mới có thể tăng vọt thì việc “mở cửa” chắc chắn có thể khiến làn sóng lây lan dịch lần này phát triển một cách khó có thể được kiểm soát như trước đây. Song, nhiều nhà khoa học ủng hộ chính phủ Anh cho rằng, bản chất vấn đề là phải kéo giảm mức độ nghiêm trọng, giảm số ca mắc ở đỉnh dịch thay vì cứ mãi trì hoãn việc mở cửa trở lại.

Trái ngược với Anh, nhiều quốc gia châu Âu đã tái áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Điển hình như Pháp, chính phủ đã ban hành một số biện pháp phòng, chống dịch được đánh giá là “cứng rắn” nhất châu Âu. Pháp hiện là quốc gia châu Âu về số ca nhiễm Covid-19, theo sát Nga với trên 5,8 triệu ca nhiễm, gồm khoảng 111,5 nghìn ca tử vong.

Trước làn sóng dịch bệnh mới, hàng chục quốc gia châu Âu đã tăng tốc độ tiêm chủng mỗi ngày và mở rộng chương trình tiêm chủng trong nỗ lực nâng cao hiệu lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Không chỉ tại châu Âu, cả thế giới hiện đều chung khẳng định rằng, vaccine là “vũ khí” hữu hiệu nhất, thực tế nhất để nhân loại có thể sống chung với dịch bệnh.

Theo giới chuyên gia y tế quốc tế, việc cấp thiết nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung vaccine, song hành với việc phân bổ vaccine hợp lý, tăng cường tốc độ tiêm chủng diện rộng. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng nhất, thắp lên ánh sáng hy vọng về một thế giới sớm quay trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có dịch Covid-19.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO