Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Bao giờ gốm Phù Lãng “xuất ngoại”?

Biên phòng - Không giống như mường tượng của tôi, làng gốm Phù Lãng thanh tĩnh đến lạ lùng, mặc dù xe hàng đến nhận gốm vẫn ra vào liên tục. Sản phẩm gốm tràn ra mặt đường, lấp kín các khoảnh sân. Nếu so sánh với làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), rõ ràng, không khí ở Phù Lãng là một thái cực đối lập hoàn toàn. Ở đây yên ả hơn rất nhiều, không có cảnh khách thập phương đi lại, mua bán tấp nập. Làng gốm cổ ven sông Cầu vẫn giữ nguyên vẹn dáng vẻ thôn quê yên bình với những lò gốm dựng sát bờ sông.

Cơ sở gốm Đức Thịnh hướng tới làm các sản phẩm độc bản để khẳng định thương hiệu gốm Phù Lãng. Ảnh: Bích Nguyên

Làng gốm 700 tuổi

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nằm bên bờ sông Cầu, cách Hà Nội khoảng 60km. Theo người dân Phù Lãng, ông tổ truyền nghề gốm cho họ là Lưu Phong Tú, một vị quan thời Lý. Ngày 19-1-2016, nghề gốm Phù Lãng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hiện, những lò gốm hàng trăm năm tuổi ở Phù Lãng đỏ lửa liên tục để kịp đổ hàng cho các thương nhân phân phối chum, vại, bình phục vụ nhu cầu tăng cao mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nói vậy bởi phần lớn sản phẩm của Phù Lãng hiện nay cung cấp cho các trang trại trồng quất, cam, quýt cảnh phục vụ người dân trưng Tết Nguyên đán.

So với các dòng gốm truyền thống khác, gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, mộc mạc, rất dễ nhận biết, đó là lớp men màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, đỏ sậm. Chủ cơ sở sản xuất gốm Khương Nam bật mí với chúng tôi: “Khác với gốm Bát Tràng sử dụng đất sét trắng làm nguyên liệu kết hợp cùng men rạn, men ngọc, gốm Phù lãng sử dụng đất sét đỏ, kết hợp màu men da lươn mộc mạc, dân dã. Điều khác biệt cũng là đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là kỹ thuật đắp nổi và điêu khắc, sử dụng màu men tự nhiên rất bền. Chúng tôi làm gốm hoàn toàn thủ công, nung gốm bằng lò đốt củi. Người thợ sử dụng bàn xoay tạo hình sản phẩm thô, sau đó mới đắp nổi các chi tiết trang trí hoặc điêu khắc trực tiếp vào sản phẩm gốm”.

Họa sĩ Mỹ Hoa, người có 50 năm làm nghề gốm cho biết thêm: “Trong tác phẩm gốm, khó nhất là kỹ thuật đắp nổi và tạo hình. Công đoạn này cần nghệ nhân có tay nghề, giàu trí tưởng tượng. Men gốm Phù Lãng thường là men đất tự nhiên, kết hợp với tro của cây rừng, bùn sông, tro gỗ nghiến. Bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm dùng màu hóa học”.

Tìm hướng đi mới

Cũng như nhiều làng gốm truyền thống khác, gốm Phù Lãng cũng từng rơi vào giai đoạn thoái trào, nhiều hộ dân phải bỏ nghề. “Sóng gió” của thị trường buộc người làm gốm Phù Lãng phải tự tìm hướng đi mới để giữ cho nghề truyền thống hơn 700 tuổi tồn tại và phát triển. Thay vì sản xuất tiểu sành - một sản phẩm truyền thống chủ yếu của làng gốm Phù Lãng, từ cuối những năm 1990, người dân bắt đầu thay đổi mẫu mã thích ứng với nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng.

Một trong những người đi tiên phong là Vũ Hữu Nhung - đại diện cho lớp thanh niên mới của làng Phù Lãng được học hành đầy đủ. Từ năm 2000, anh Nhung bắt đầu gây dựng thương hiệu gốm Nhung với dòng sản phẩm khác biệt với cha ông - gốm mỹ thuật hoặc định danh theo cách khác là gốm trang trí nội thất. Anh Nhung cũng sáng tạo nhiều mẫu hoa văn khác nhau, gắn hơi thở cuộc sống vào sản phẩm gốm như cây đa, bến nước, lá chuối, lá khoai, hoa sen, đồng ruộng, phong cảnh làng quê...

Học theo anh Nhung, những người dân khác cũng chuyển đổi sang dòng sản phẩm mới. Đến nay, người dân Phù Lãng làm 3 dòng sản phẩm chính, bao gồm: Gốm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng; gốm gia dụng và gốm trang trí (gạch, tranh, phù điêu, tiểu cảnh...). Chị Hoa, chủ cơ sở gốm Đức Thịnh cho biết: “Cùng với các sản phẩm đại trà, chúng tôi làm thêm các sản phẩm độc bản để phục vụ khách có nhu cầu như bình phong thủy, lọ lộc bình, tranh cầu chúc may mắn, tranh phong thủy”.

Như một cách quảng bá cho gốm Phù Lãng, từ năm 2019, chị Hoa tổ chức hoạt động trải nghiệm kết hợp tham quan làng gốm cho tầng lớp học sinh, thu hút rất đông học sinh tham gia. Có ngày, chị đón tới 1.000 học sinh. Điều đáng tiếc là từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động này phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mong ước gốm Phù Lãng “bay” xa

Theo chị Hoa, trong một năm, làng gốm Phù Lãng chỉ sôi động từ tháng 8 cho đến Tết Nguyên đán. Bởi đây là khoảng thời gian các nhà vườn có nhu cầu bình, lọ, chum để trồng cây cảnh bán Tết. Có một thực tế là, đầu ra sản phẩm của gốm Phù Lãng hiện chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu các nhà vườn cây cảnh. Người dân cũng không chủ động tiếp cận các thị trường khác.

Anh Nam, chủ một cơ sở sản xuất gốm lớn ở Phù Lãng bảo rằng, chúng tôi không quảng cáo, không giới thiệu, cũng không cần treo biển, bởi khách hàng đã quen rồi, tự tìm đến thôi. Không chỉ anh Nam mà nhiều người dân Phù Lãng khác vẫn giữ nếp suy nghĩ cũ, chỉ cần giữ mối bạn cũ là được mà không chú trọng quảng bá sản phẩm nên “mạch sống” của gốm bấp bênh. “Mỗi tháng, chúng tôi cho ra lò khoảng 2.000 sản phẩm. Khách hàng là các nhà vườn trồng quất cảnh. Nếu các nhà vườn ế ẩm, không lấy hàng thì chúng tôi sẽ “sập” theo”- anh Nam cho biết.

Chỉ cần một chiếc bàn xoay, những người thợ gốm có thể thổi hồn vào đất thành những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Bích Nguyên

Điểm yếu nhất của gốm Phù Lãng chính là khâu thị trường và quảng bá sản phẩm. Người dân chủ yếu sản xuất sản phẩm thông dụng, thậm chí có thể nói là “hàng chợ”, mà chưa chú trọng đổi mới, sáng tạo mẫu mã, chất lượng sản phẩm, chưa có sản phẩm cao cấp. Bên cạnh đó, Phù Lãng cũng chưa tổ chức được chợ gốm để giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách, thiếu đi sự kết nối giữa các tour tuyến du lịch, cũng như kết nối khách hàng với người sản xuất. Điều đó khiến cho gốm Phù Lãng vẫn “giậm chân” tại chỗ, không thể “bay xa” như gốm Bát Tràng, gốm Chăm...

Chị Hoa cho biết, ở đây không có hiệp hội, cũng không có khu trưng bày hay chợ gốm. Điều đó khiến sản phẩm gốm không có nhiều cơ hội được quảng bá. Thực tế, “khách nước ngoài khi tới thăm cơ sở của chúng tôi đều rất thích sản phẩm của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để gốm Phù Lãng có thể “xuất ngoại”. Chúng tôi mong muốn có hiệp hội, có nơi giới thiệu sản phẩm để ít nhất là có nhiều người trong nước biết tới gốm Phù Lãng” - ước vọng của chị Hoa có lẽ không khó thực hiện nếu chính quyền và người dân làng gốm quyết tâm.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO