Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Sự tác động của kỷ nguyên 4.0 tới các làng nghề Việt Nam

Biên phòng - Ngày nay, bước vào kỷ nguyên công nghệ thông tin, tưởng chừng các làng nghề thủ công mỹ nghệ của nước ta sẽ bị lỡ nhịp trong đoàn tàu cơ giới hóa, tự động hóa. Thế nhưng, khi xã hội tiệm cận với những tiến bộ công nghệ tiên tiến thì yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu, trong đó, trí tuệ, cảm xúc, tài hoa tay nghề và sự sáng tạo của con người sẽ là tài nguyên vô giá.

6k3s_23a
Sản phẩm thời trang có ứng dụng sơn mài được du khách ưa thích tại Huế. Ảnh: TTH

Một điều đặc biệt là đối với những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ và tạo động lực để các làng nghề phát triển, chứ không càn lướt và phủ lấp các giá trị thô sơ, mộc mạc vốn là giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Công nghệ thông tin can thiệp vào tất cả các khâu sản xuất của làng nghề, duy nhất bàn tay của nghệ nhân là không thay thế được. Và sự truyền dạy chất tài hoa nghệ sĩ đó mang tính thế hệ cũng không thể thay thế được bằng bất cứ công nghệ nào. 

Nghệ nhân Nguyễn Huy, làng hoa giấy Thanh Tiên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế cho biết, điều ông và các nghệ nhân khác tâm đắc và hài lòng là so với những năm trước đây, các làng nghề truyền thống hiện nay đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ. Nghệ nhân vừa sản xuất ra sản phẩm, vừa truyền dạy nghề cũng làm không hết việc. Có 2 nguyên nhân chính để thúc đẩy các làng nghề tìm lại hào quang của mình là du lịch phát triển và công nghệ được áp dụng vào các quy trình hỗ trợ một cách khoa học. 

Có thể nói, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã khái quát lên nét đặc trưng của các làng nghề xưa xứ Huế xuất hiện ở khu vực ngoại vi kinh thành Huế. Đó là nhóm các làng nghề sản xuất ra những sản phẩm phục vụ thú chơi của vua quan, thương nhân, người dân triều đình Huế, sau đó đã có thời gian bị mai một do từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhu cầu về hàng hóa nhu yếu phẩm đặt lên trên hàng hóa xa xỉ phẩm. Có thể kể đến những nghề như khảm sành, pháp lam, gốm, chế tác kim loại, sơn son thếp vàng, chế tác đồ thờ tự, trang trí...

Bước vào kỉ nguyên số hóa, nghề truyền thống không mất đi mà được hồi phục nhờ truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa. Nhờ sản phẩm nguyên chiếc mang đặc tính dân tộc, có bề dày lịch sử lên ngôi, được trân trọng. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, chính nhờ yếu tố con người mà ý chí bảo tồn nghề chưa bao giờ mất đi ở các vùng đất mà con người luôn tự hào về các giá trị truyền thống xưa cũ. 

Một ví dụ khác là nghề sơn mài truyền thống Huế, với 3 loại: Sơn quang, sơn son thếp vàng và sơn mài đắp nổi. Đây là nghề đã từng bị mai một vì sản phẩm đắt đỏ, kén thị hiếu thẩm mỹ và chủ yếu phục vụ tầng lớp quý tộc, thượng lưu, với những công trình lớn, tốn kém. Gam màu cổ truyền và căn bản của những tác phẩm sơn mài là cánh gián, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Ngày nay, nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo. Để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật thì phải sơn và mài gần chục lần. Phải vẽ chồng hoặc tráng lên các lớp sơn, sau đó mài thủ công thì bức tranh mới có hiệu ứng từ các lớp màu độ đậm nhẹ, mài sâu và nông, cho ra sản phẩm có tầng sâu, hiệu ứng nghệ thuật. 

Hiện nay, do vật liệu bằng vàng thật rất đắt nên những người làm nghề không còn sơn son thếp vàng các vật dụng hoành phi, câu đối, đồ thờ tự theo đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống. Điều kỳ diệu là nghề sơn mài đã chuyển mình, cách tân đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng... Các họa  sĩ đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm sơn mài mang ý tưởng mới, phục vụ đời sống hiện đại như làm trang sức, dây đeo cổ, đeo tay, đồ mỹ nghệ.

Trong một buổi triển lãm trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống ở thành phố Huế, đã có rất nhiều du khách tới chiêm ngưỡng và xem, mua các sản phẩm được cách tân như trang sức pháp lam, giày dép sơn mài, gốm sơn mài, gốm khảm trai, túi xách khảm trai, sơn mài... Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mỹ thuật công nghiệp và nghề truyền thống mang lại hiệu quả rất rõ nét. Và sản phẩm có bán được, có hợp thị hiếu thì mới có nguồn lực để tái tạo làng nghề, nuôi dưỡng lửa nghề. 

cdzi_23b
Hoa giấy Thanh Tiên trang trí trong những nhà hàng sang trọng tại Hội An. Ảnh: TTH

Phải nói thêm rằng, vai trò của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa là chìa khóa để xâu chuỗi toàn bộ tiềm năng phát triển đó. Việc tổ chức các kỳ festival làng nghề và tập hợp triển lãm, giới thiệu quảng bá quy mô mang lại cơ hội rất lớn cho các làng nghề chiếm lĩnh đời sống xã hội. Hơn thế nữa, trong một kỷ nguyên thông tin đa chiều, các làng nghề tự đào thải cái cũ, cái không phù hợp, phát huy những lợi thế của mình để phát triển. Hiện nay, đến giấy nhuộm màu, sơn mài, pháp lam... cũng được các nghệ nhân nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sắc nét màu sắc, bền màu hơn, màu pha chế trung tính, lãng mạn, mỹ thuật hơn và phù hợp hơn với nội thất các công trình mới.

Trong khi đó, nét độc đáo của mỗi sản phẩm làng nghề vẫn được giữ lại làm người thưởng thức thích thú. Vải nhuộm để may áo dài xưa xứ Huế không thể đẹp bằng bây giờ, nếu xét về tiêu chuẩn công nghiệp. Không những thế, từ khâu dệt, may, chất liệu đều được cải tiến đổi mới (ví dụ như tơ, tơ sen, đũi, lụa...) dù dệt may áo dài chỉ là một nghề thủ công truyền thống của Huế. 

Một số trường dạy nghề hiện nay đã đưa vào giảng dạy các bộ môn mỹ thuật truyền thống. Sinh viên được thỏa chí sáng tạo trên cơ sở giá trị cốt lõi của các làng nghề. Một số làng nghề hồi sinh theo cách này được kể đến là gốm Phù Lãng, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, dệt lụa tơ tằm, sơn mài... Con người thế hệ mới thông thạo công nghệ mới làm nghề truyền thống trên giá trị cũ đang là công thức thành công của rất nhiều làng nghề Việt Nam hiện nay.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO