Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

“Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”

Biên phòng - Học kỳ 1, năm học 2021-2022 có lẽ sẽ là một kỳ học đầy dấu ấn khi một số tỉnh, thành trong cả nước dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức dạy học trực tiếp, phải chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong cả nước đều xác định phải nỗ lực vượt khó, linh hoạt, nhạy bén trong hoạt động truyền thụ kiến thức để mở “luồng xanh” đón chữ cho trẻ em, với chủ trương “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An hướng dẫn các em học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn học trực tuyến. Ảnh: Quang Ninh

Cuối năm học 2020-2021, ngành giáo dục của nhiều tỉnh, thành phố đã có những đêm không ngủ để dốc sức, đồng lòng cho cuộc đua với bệnh dịch khi địa phương thành trở thành tâm dịch của cả nước. Từ các Sở Giáo dục và Đào tạo đến các phòng, ban chức năng, các cơ sở giáo dục tất bật với công tác hướng dẫn, hỗ trợ kiểm tra hồ sơ học sinh, phương án ôn tập và công tác vệ sinh khử khuẩn phòng học đối với trên hàng ngàn cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly...

Đồng chí Nguyễn Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tháng 5 và 6 vừa qua, mặc dù là tâm dịch và cả tỉnh phải căng mình chống dịch suốt 2 tháng hè, song, chất lượng dạy và học của Bắc Giang vẫn được duy trì và có bước phát triển. Việc ôn thi cuối cấp của học sinh lớp 9 và lớp 12 bị ảnh hưởng, phải chuyển hình thức ôn thi online với cường độ học cao nhất, song, tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp đạt gần 99% và có 1 học sinh đạt Thủ khoa khối A1 toàn quốc. Đó chính là kinh nghiệm quý để ngành giáo dục Bắc Giang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống được đặt ra cho năm học mới.

Một lễ khai giảng đặc biệt đã mở đầu cho một mùa tựu trường đặc biệt với cả niềm vui và nỗi buồn của con trẻ. Hầu hết tỉnh, thành có dịch như thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng... đều đã đồng loạt triển khai xây dựng theo hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho dữ liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh và phân công các thầy cô giáo có trình độ chuyên môn giỏi, có phương pháp giảng dạy học tốt để tổ chức dạy học trực tuyến.

Cùng với đó, Đài Truyền hình các địa phương đã phối hợp cùng ngành giáo dục tổ chức dạy học trên truyền hình, ghi lại bài giảng của thầy, cô giáo để phát sóng định kỳ, đồng thời, chuyển thành nguồn tài liệu học tập cho học sinh cập nhật trên các trang điện tử của ngành giáo dục hoặc của trường và mạng xã hội...

Việc học trực tuyến đối với học sinh lớp 1 đang là vấn đề được mọi người quan tâm, bàn luận sôi nổi vì các em còn quá nhỏ, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình. Nhiều trường đã nỗ lực phối hợp với cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” được phát trên kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam và các ứng dụng khác từ ngày 6-9-2021.

Tại Lào Cai, tuy hiện nay, trẻ vẫn đến trường học bình thường tại các vùng an toàn, song, giáo viên đã tranh thủ tiến hành triển khai các hoạt động làm quen của học sinh lớp 1 (tuần 0) như dạy nền nếp, nhận biết các nét cơ bản, phân biệt sách, vở, cách cầm bút, phấn, cách ngồi học... “Vì mới đi học và chưa được hướng dẫn tuần 0 nên hầu hết học sinh còn bỡ ngỡ, đặc biệt, học sinh dân tộc thiểu số thường thiếu tự tin, tiếng Việt chưa sõi, rụt rè...nên không thể bỏ qua tuần 0. Chúng tôi dạy các con theo hình thức chậm nhưng chắc, để phòng trường hợp phải chuyển sang học trực tuyến thì mới hiệu quả và có cơ sở...” - Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà cho biết.

Cô giáo Hà Thùy Linh, Trường Trung học phổ thông số 1 Lào Cai cũng chia sẻ rằng, trong tuần đầu đến lớp, hầu hết giáo viên các trường trên địa bàn sẽ tập trung kiểm tra, đánh giá những lỗ hổng kiến thức của học sinh sau một thời gian dài không đến trường. Thậm chí, thời gian giãn cách trước đây, khi các giáo viên in và phát phiếu bài tập qua các trưởng thôn bản để các em học sinh làm bài tập tại nhà và cuối tuần giáo viên lại đến thôn, bản để thu lại.

Thời điểm này, thành phố Đã Nẵng đã tạm thời kiểm soát được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, song, các trường vẫn triển khai dạy trực tuyến hiệu quả theo chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo. Những phần mềm dạy học trực tuyến được giáo viên sử dụng thành thạo, biến chúng trở thành công cụ hữu ích cho việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Học sinh đã chủ động vào lớp đúng giờ, chuẩn bị máy tính, điện thoại, kiểm tra đường truyền để tiết học diễn ra hiệu quả. Ban Giám hiệu nhà trường và cán bộ quản lý giáo dục của quận liên tục “dự giờ online” thăm lớp để động viên, khích lệ tinh thần dạy và học, nhanh chóng nắm bắt những bất cập để cùng nhau tháo gỡ, hỗ trợ giáo viên về các vấn đề kỹ thuật, trang thiết bị.

Tại biên giới tỉnh Nghệ An, do địa bàn biên giới khó khăn, điều kiện để các em học sinh có đầy đủ trang thiết bị học online là không thể, do đó, các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với các thầy, cô giáo tại các điểm trường thành lập các đội công tác trực tiếp xuống địa bàn giúp đỡ các em học sinh. Việc làm này đã kịp thời giúp giảm gánh nặng cho cả giáo viên và phụ huynh bởi tại các huyện vùng cao, rất ít các gia đình có đủ điều kiện cho con em mình học trực tuyến.

Ở địa bàn hai xã do Đồn Biên phòng Nậm Càn quản lý, các buổi học tại bản xa trở nên rộn ràng hơn khi các em học sinh được tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ để các thành viên tổ công tác mang máy tính xách tay, điện thoại thông minh hướng dẫn các em làm quen với việc học trực tuyến. Cùng với giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Càn, các chiến sĩ Biên phòng đã giúp các em cài đặt phần mềm Vnedu và hướng dẫn các em đăng nhập và theo dõi bài giảng hiệu quả.

Năm học này, chủ đề được phát động trong toàn ngành giáo dục là “Đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022”. Tin tưởng rằng, những người đang gánh trên vai sứ mệnh trồng người đã và đang dành tất cả tinh thần, trí tuệ, tâm huyết và lòng yêu nghề để trao truyền tri thức đến với các em học sinh.

Đức Giang

Bình luận

ZALO