Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 02:18 GMT+7

Yếu tố mới cản trở Brexit

Biên phòng - Việc Thủ tướng Italy Matteo Renzi đệ đơn từ chức sau khi người dân nước này nói “không” với kế hoạch cải cách hiến pháp của ông tại cuộc trưng cầu ý dân vừa qua được đánh giá là yếu tố mới làm gia tăng sự bất ổn đối với tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là vấn đề Brexit.

0iran92phc-56550_7604d3c8-bd66-023b-25f2-937b780fbd3e@yahoo.com_demissiondepuislepalaischigidimanche4decembre2016
Thủ tướng Italy Matteo Renzi thông báo từ chức hôm 4-12. Ảnh: AFP

Italy làm lu mờ Brexit

Cuộc trưng cầu ý dân vừa qua tại Italy có thể coi là một sự nhắc nhở rằng diễn biến chính trị ở châu Âu cũng như ở Anh sẽ là những yếu tố quyết định cục diện đàm phán Brexit tới đây. Ngay cả trước khi Thủ tướng Renzi đệ đơn từ chức, khung thời gian cho việc đàm phán chia tay EU cũng khá hạn hẹp. Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố kế hoạch kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng các nhà đàm phán của cả EU và Anh thực tế sẽ chỉ có không quá 14 tháng để thương lượng. Theo nhận định của ông Guy Verhofstadt, người phụ trách việc đàm phán Brexit của Nghị viện châu Âu (EP), các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề này sẽ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất từ cuối năm 2017 và sẽ kết thúc vào cuối năm 2018.

Lý do thứ nhất khiến khung thời gian dành cho đàm phán về Brexit trở nên hạn hẹp là EP sẽ cần thời gian để xem xét và thông qua thỏa thuận Anh-EU trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5/2019. Lý do thứ hai và là lý do quan trọng, đó là các nhà đàm phán khó có thể giải quyết những vấn đề gai góc nhất liên quan đến Brexit trước khi diễn ra hai sự kiện chính trị quan trọng ở châu Âu gồm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4/2017 và cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào tháng 9-2017.

Lý do thứ ba vừa nảy sinh là diễn biến chính trị khó lường tại Italy sau khi người dân nước này nói “không” với kế hoạch cải cách hiến pháp của Thủ tướng Renzi. Sự sụp đổ của nội các Renzi sẽ kéo theo nhiều nguy cơ, trong đó phải kể tới khả năng bầu cử trước thời hạn vào đầu năm 2017 và các rạn nứt về chính trị trong nội bộ Italy dự báo kéo dài ít nhất 12 tháng. Giai đoạn chuyển giao quyền lực cũng sẽ ảnh hưởng tới lập trường của Roma trong các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit. Điều đó rõ ràng sẽ không có lợi cho Chính phủ Anh trong tiến trình rời EU.

lc5q9kwnag-56550_1a1b1d48-27a9-7063-68d3-b1a7d67e0ed2@yahoo.com_gettyimages543304330
Ba nhà lãnh đạo Italy, Đức và Pháp (từ trái sang phải) sau cuộc họp báo về kết quả vòng đàm phán không chính thức về Brexit hôm 27/6 tại Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images

Hệ quả từ nước cờ sai

Theo Giáo sư Brendan O’Leary thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), việc ông Renzi tổ chức trưng cầu ý dân là một tính toán sai lầm về quan điểm của cử tri, tương tự cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Italy là một quốc gia ủng hộ hội nhập châu Âu mạnh mẽ, và người dân không muốn rời khu vực đồng euro. Vì thế, nhiều người đã thất vọng sau kết quả cuộc trưng cầu ngày 4-12. Nguy cơ lớn nhất mà Italy đang phải đối mặt chính là từ Phong trào dân túy Năm sao (M5S), lực lượng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để đưa Italy rời khỏi khu vực đồng euro và khôi phục đồng nội tệ lira. Nếu M5S lên nắm quyền và hiện thực hóa các tuyên bố của họ thì đó sẽ là một cơn ác mộng đối với phần còn lại của châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều các nhà quan sát cho rằng dù cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017 hay 2018, M5S, đảng Dân chủ hay đảng Liên đoàn phương Bắc đều không dễ lên nắm quyền, mà nhiều khả năng một chính phủ liên minh sẽ hình thành sau cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, lịch sử Italy cho thấy một chính phủ liên minh thường kéo theo những căng thẳng nội bộ, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành nền kinh tế vốn đang bất ổn do tăng trưởng ì ạch kéo dài và cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Địa Trung Hải.

Thất bại của cuộc trưng cầu ý dân tại Italy và việc Thủ tướng Renzi từ chức là mối đe dọa nghiêm trọng cho tương lai của ngôi nhà chung châu Âu. Italy là một trong những thành viên sáng lập EU nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và di cư, người Italy đã thay đổi thái độ đối với EU. Giới quan sát không loại trừ khả năng ông Renzi có thể sẽ là thủ tướng cuối cùng có lập trường truyền thống ủng hộ châu Âu.

Những nhân vật quyền lực chính trị ở Italy có lẽ không bao giờ muốn Anh rời EU. Tuy nhiên, các sức ép về chính trị, tài chính và kinh tế gia tăng tại Italy sẽ định hình cách tiếp cận hay lập trường của nước này trong các cuộc đàm phán Brexit. Bên cạnh đó, lo ngại về vị trí của Italy ở châu Âu, chính phủ nước này có thể sẽ tìm cách tăng cường sự liên kết trong nước. Do đó, thay vì đưa ra những đề xuất có lợi cho nước Anh, Chính phủ Italy sẽ tập trung vào việc xóa bỏ những lập luận của phe hoài nghi châu Âu rằng đứng ngoài EU là một lựa chọn hấp dẫn. Vì vậy, Chính phủ Anh nên chuẩn bị cho tình huống vào năm 2018 rằng Italy sẽ giữ một lập trường cương quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia và trên toàn EU.

Như Lan

Bình luận

ZALO