Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Thúc đẩy giao thương trên biên giới Việt Nam - Trung quốc:

Yếu tố bền vững cần đặt lên hàng đầu

Biên phòng - Việc hoàn thành phân giới cắm mốc tuyến Việt Nam - Trung Quốc (năm 2009) đã tạo môi trường ổn định để các địa phương biên giới phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu trên cơ sở tận dụng tiềm năng là lợi thế sẵn có. Kinh tế biên mậu được xác định là mũi nhọn, đã mang lại hiệu quả thực tế, đóng góp lớn vào GDP của các địa phương biên giới. Tuy nhiên, hoạt động thương mại qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ để hướng tới sự phát triển bền vững.

kuvb_13
Các xe hàng chở hàng xuất khẩu qua lối mở Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Bích Nguyên

Kim ngạch thương mại tăng 3 lần

Tỉnh Cao Bằng có hơn 300km đường biên giới với Trung Quốc. Trên tuyến biên giới Cao Bằng có 1 cửa khẩu quốc tế (Tà  Lùng), 3 cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn) và nhiều cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan...

Trong các huyện biên giới của Cao Bằng, Trà Lĩnh được coi là địa phương có hoạt động kinh tế cửa khẩu sôi động nhất và đạt được những bước phát triển trên nhiều mặt như: Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) có sự gia tăng mạnh về quy mô và số lượng, tăng thu ngân sách, thu hút được các nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng, dịch vụ, thương mại tạo ra nhiều cơ hội phát triển đa dạng, tạo việc làm cho nhân dân.

Ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh cho biết: “Từ năm 2013-2018, khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh được đầu tư hơn 446 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh đã có 10 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là trên 7.000 tỉ đồng. Hiện, có 4 dự án đã đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động kinh doanh XNK hàng hóa”. Cũng theo ông Huy, trong những năm qua, hoạt động XNK qua cửa khẩu Trà Lĩnh có sự phát triển vượt bậc. “Tổng giá trị kim ngạch XNK qua cửa khẩu Trà Lĩnh năm 2011 đạt trên 44 triệu USD, đến năm 2018 tăng lên hơn 130 triệu USD. 

Xác định kinh tế biên mậu là mũi nhọn, trong giai đoạn 2013-2018, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư 29 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, sau 10 năm hoàn thành phân giới cắm mốc và tiến hành quản lý biên giới theo 3 văn kiện mới, kinh tế cửa khẩu của tỉnh không ngừng phát triển. Năm 2018, kim ngạch XNK trên địa bàn tăng rất mạnh, thu ngân sách từ lĩnh vực này cũng đáp ứng được khoảng 30% thu ngân sách của địa phương.

Cũng nằm trên tuyến biên giới phía Bắc, Lạng Sơn được coi là cửa ngõ giao thương lớn nhất với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thông qua hệ thống 12 cửa khẩu. Trong những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế biên mậu. Mỗi năm, các cửa khẩu tại Lạng Sơn đang thu hút khoảng 3.000 doanh nghiệp thường xuyên XNK qua địa bàn. Bình quân, mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt xe vận chuyển hàng hóa qua biên giới của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tổng giá trị kim ngạch XNK những năm gần đây bình quân tăng từ 20-25%/năm và đạt 5 tỉ USD năm 2018.

Số liệu tổng hợp cho thấy, kim ngạch thương mại biên giới phía Bắc với Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch thương mại song phương (khoảng 25-30%). Ông Phùng Thế Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Phân ban Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cho biết, sau gần 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới hai nước tăng hơn gấp 3 lần từ 7,6 tỉ đô la năm 2010 lên hơn 24,5 tỉ đô la năm 2018. 

Để thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục quản lý XNK. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp thông tin thị trường và các dịch vụ hỗ trợ khác; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng liên kết giữa các địa phương biên giới với địa phương trong nội địa, giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.

Hướng tới sự phát triển  bền vững

Rõ ràng, trong 10 năm qua, kinh tế cửa khẩu biên giới Việt Nam- Trung Quốc khởi sắc, mang lại hiệu quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động thương mại biên giới hiện nay vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt là xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở nhìn chung chưa thực sự ổn định, tiềm ẩn nhiều khó khăn. Có những thời điểm, việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, thậm chí “đóng băng” khi phía Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động biên mậu. Gần đây nhất, thời điểm giữa tháng 10, đã xảy ra tình trạng ùn ứ hàng nghìn tấn nông sản xuất khẩu của Việt Nam tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). 

Nói về những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế cửa khẩu, ông Trịnh Trường Huy cho rằng, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông còn yếu và thiếu. Hoạt động cung ứng dịch vụ, hạ tầng hỗ trợ hoạt động thương mại có bước phát triển song chưa đáp ứng yêu cầu như dịch vụ vận tải chi phí cao, chất lượng dịch vụ logictic tại khu vực cửa khẩu còn thấp..., sự kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên còn nhiều hạn chế...

Thu Hằng

Bình luận

ZALO