Biên phòng - Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn biên giới có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo và ổn định cuộc sống, thời gian qua, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chiềng Khương, BĐBP Sơn La và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện mô hình “Ngân hàng dê” và đem lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình ý nghĩa và nhân văn này đã tạo động lực cho nhiều cặp vợ chồng trẻ vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Chiềng Khương là xã biên giới của huyện Sông Mã với hơn 26,8km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 21 bản, trong đó, có 8 bản giáp biên, với 4 dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun và Khơ Mú cùng sinh sống. Tập quán của nhân dân nơi đây thường cư trú rải rác ở vùng sâu, vùng cao biên giới, đường sá đi lại khó khăn, do vậy, để tiếp cận với những kiến thức khoa học hay kết nối để giao thương hàng hóa giữa các vùng là rất hạn chế và nhiều bất cập, từ đó, đã tạo sự chênh lệch về dân trí giữa vùng cao và vùng trung tâm. Các bạn trẻ là đoàn viên thanh niên đồng bào dân tộc mới lập gia đình, muốn vươn lên trong cuộc sống mà không có kinh nghiệm thực tiễn hay những kiến thức khoa học để áp dụng vào cuộc sống, do vậy, cái khó, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi mà không có lối thoát.
“Thấu hiểu những khó khăn đó, Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương đã tích cực phối hợp, chủ động tham mưu cho cấp ủy hai đơn vị xây dựng và đưa mô hình vào chương trình hành động trọng tâm, đó là “Ngân hàng dê”. Đến nay, mô hình này đã duy trì được 6 năm và mang lại hiệu quả rất thiết thực, hỗ trợ nhiều gia đình trẻ vùng biên giới có nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống” - Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương chia sẻ.
Để có số vốn xây dựng “Ngân hàng dê”, các đoàn viên Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương tự nguyện đóng góp kinh phí để mua dê giống, giao dê cho những gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn luân phiên nuôi rẽ (tức là khi dê mẹ đẻ xong sẽ chuyển tiếp dê bố mẹ sang cho hộ gia đình khó khăn khác tiếp theo để nuôi gây giống).
Với số vốn ít ỏi ban đầu của Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương đã mua được 8 con dê giống bố mẹ để nuôi. Bình quân mỗi con dê trưởng thành sẽ có trọng lượng khoảng 35kg/con, giá bán dê thịt thị trường dao động từ 140-155.000 đồng/kg; dê giống có giá bán khoảng từ 5 triệu đồng/con. Chăm sóc đúng cách và dê sinh sản tốt thì trung bình mỗi năm có thể bán từ 2-3 đợt, mỗi đợt từ 2-4 con, thu nhập từ bán dê của một hộ gia đình có thể đạt khoảng 60 đến 70 triệu đồng/năm, khi trừ hết các khoản chi phí, sẽ thu lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/năm.
Để minh chứng cho điều này, chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Cầm Văn Thảo, ở bản Bó, xã Chiềng Khương - là một gia đình đoàn viên có hoàn cảnh rất khó khăn. Cưới nhau năm 2016, bố anh Thảo bị tai biến, nằm liệt một chỗ, bao nhiêu tài sản gia đình đều bán đi để mua thuốc, chăm lo dưỡng bệnh cho bố. Năm 2018, gia đình anh Thảo may mắn được chuyển giao “Ngân hàng dê” từ Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương. Đến nay, anh chị đã nuôi và phát triển đàn dê hơn 40 con. Đây được coi là “Quỹ dự phòng” của gia đình, khi có việc đột xuất là có thể bán để giải quyết được ngay.
Những năm qua, nhờ có đàn dê, gia đình anh Thảo luôn ổn định được cuộc sống và sắm sửa các vật dụng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, xe máy và một số đồ gia dụng khác, đồng thời, có tiền đảm bảo cho con cái ăn học. Nhưng một điều không may mắn đã ập đến, mới đây, anh Thảo bị tai nạn giao thông rất nặng, vợ anh đã khẩn trương bán 30 con dê để mua thuốc thang, điều trị cho anh Thảo. Đến nay, nhờ bán đàn dê để có tiền kịp thời cứu chữa, đến nay, sức khỏe của anh đã dần hồi phục.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương chia sẻ: “Mô hình “Ngân hàng dê” của Đoàn xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương đã trao cơ hội cho những hộ đoàn viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Mô hình luôn được hai đơn vị quan tâm và cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm, đặc biệt là tại Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương khóa XX (nhiệm kỳ 2022-2027)”.
Qua 5 năm thực hiện mô hình “Ngân hàng dê”, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu chuyển cho 2 hộ gia đình, đến nay, đã có 8 hộ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được tiếp nhận “Ngân hàng dê”. Tính tổng đàn dê từ nguồn này mang đến đã nhân lên hơn 100 con. Các hộ được nhận nuôi hiện nay đều ổn định cuộc sống. Với điều kiện thực tế tại địa phương, đây thực sự là hướng đi đúng đắn, giúp đoàn viên, thanh niên chuyển đổi và định hướng được mô hình chăn nuôi phù hợp, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình bền vững ở khu vực biên giới.
Từ thực tế trong triển khai mô hình, thời gian tới, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ bằng những hành động thiết thực, hiệu quả về thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, duy trì có hiệu quả mô hình “Ngân hàng dê” để mở ra nhiều mô hình khác như hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây ăn quả cho các gia đình đoàn viên, thanh niên nghèo trồng cây nhãn, xoài giống, ngô... để phát triển kinh tế. Không chỉ giúp các gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn, có tài sản, mà còn giúp đỡ bà con có thêm kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, từ đó, mở rộng ra nhiều hướng phát triển kinh tế để các hộ gia đình khác học tập kinh nghiệm và làm theo.
Quàng Hùng