Biên phòng - Được hình thành sau ngày huyện Ia H’drai (tỉnh Kon Tum) được chia tách thành lập, xã Ia Tơi là một trong những địa phương sở hữu nhiều điều mới và lạ nhất. Bên cạnh địa giới hành chính kéo dài từ Đông sang Tây của huyện, với 5 thôn được bố trí theo một trục dọc, đoạn biên giới đi qua xã Ia Tơi mặc dù chỉ khoảng 9,3km, nhưng lại có sự chung tay, góp sức của 3 đồn Biên phòng.

Chưa hết, xã biên giới này còn có những khu dân cư như thôn 1 và thôn 7 đồng hành cùng lúc với 2 đồn Biên phòng. Với đặc thù như thế, dễ hiểu vì sao dấu ấn của người lính Biên phòng luôn được thể hiện đậm nét trên địa bàn biên giới, để cho “ý Đảng” mỗi ngày được thấm sâu hơn vào “lòng dân”…
Từ dấu ấn cá nhân đảng viên “hai trong một”...
Những năm gần đây, chủ trương phân công đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng và phụ trách hộ gia đình luôn được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum triển khai một cách sâu rộng, đa dạng và đạt được những kết quả thiết thực. Đây chính là tiền đề quan trọng để từng bước hiện thực hóa cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” do Tỉnh ủy Kon Tum phát động.
Sự đa dạng được thể hiện trong cách làm của người lính Biên phòng để “ý Đảng” ngày càng lan tỏa sâu sắc hơn trong “lòng dân” biên giới. Đối với vùng đất mới Ia Tơi, sự đồng hành của 3 đồn Biên phòng (Sê San, Sa Thầy và Hồ Le, BĐBP Kon Tum) gắn liền với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã mang đến nhiều cơ hội thoát nghèo cho nhân dân. Bên cạnh sự hiện diện của đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn làng, mô hình đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình, đảng viên đồn Biên phòng người DTTS kết nghĩa đỡ đầu hộ gia đình đồng bào DTTS... được triển khai rộng khắp, giúp cho “lộ trình” làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con được rút ngắn hơn.
Trung tá Cao Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hồ Le chia sẻ: “Đảng viên đồn Biên phòng khi được phân công phụ trách hộ gia đình chắc chắn sẽ gần gũi hơn, am hiểu hơn điều kiện và hoàn cảnh của bà con, để có sự trợ giúp cần thiết nhất. Riêng địa bàn xã Ia Tơi, chúng tôi có 5 đảng viên phụ trách 22 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (Đồn Biên phòng Hồ Le quản lý 3 thôn của xã Ia Tơi và một phần xã Ia Đal, huyện Ia H’drai). Anh em thường xuyên bám nắm tình hình, việc nhỏ thì trực tiếp giúp đỡ hỗ trợ, còn việc lớn thì tham mưu đề xuất với cấp ủy, Ban chỉ huy đơn vị để xử lý, giải quyết”.
Ở địa bàn 2 thôn vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (thôn 1 và thôn 7, xã Ia Tơi), dấu ấn của người lính Biên phòng được thể hiện đậm nét hơn khi có đủ “bộ ba” đảng viên tăng cường cho 3 cấp. Bên cạnh bố trí đảng viên tham gia vào cấp ủy xã, Đồn Biên phòng Sa Thầy còn triển khai mô hình cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn làng và đội ngũ đảng viên phụ trách hộ gia đình. Nhiều người trong số này đảm nhận “nhiều vai” cùng một lúc, vừa tham gia cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, vừa đồng hành với cá nhân (hộ gia đình) nên có thể nói, vai trò của những đảng viên ở Đồn Biên phòng Sa Thầy luôn được phát huy cao độ nhất.
Thượng úy Trần Quốc Tuấn, Đội trưởng Vận động quần chúng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã Ia Tơi cho rằng: “Ngoài những kiến thức chuyên sâu về quốc phòng-an ninh, đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình còn làm rất tốt vai trò của người tiếp sức trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Không đủ khả năng để làm những mô hình đòi hỏi sự đầu tư lớn, nhiều đồng chí tự bỏ tiền túi, khi thì hỗ trợ bà con cây, con giống, lúc thì giúp ngày công sửa lại mái nhà, chuồng trại chăn nuôi, rồi những kiến thức trong phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Biết việc gì thì làm việc đó, miễn là tiếp sức cho bà con để cùng nhau phát triển vươn lên”.
Đến nét đẹp tập thể đong đầy niềm tin “ý Đảng”
Có thể nói, chủ trương thì chỉ có một, nhưng cách làm của các đồn Biên phòng khi phân công đảng viên xuống chung tay góp sức với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn là khá đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng dành cho vùng đất mới Ia Tơi.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình luân phiên bò giống cho người nghèo trên địa bàn thôn 7 và thôn 8, xã Ia Tơi (tính đến nay, đã có 10 hộ được tiếp cận nguồn con giống từ đồn Biên phòng), cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Sê San đặc biệt quan tâm chăm lo đến hoạt động của đội ngũ cán bộ đảng viên khi được phân công xuống địa bàn tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng và phụ trách hộ gia đình. Với phương châm “mỗi chuyến đi là một niềm vui mang đến cho bà con, mỗi việc làm là một nét đẹp đong đầy niềm tin ý Đảng”, nhiều mô hình đảng viên trợ giúp hộ gia đình nghèo được Đồn Biên phòng Sê San triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, tạo thêm nhiều cơ hội giúp bà con thoát nghèo vươn lên. Điển hình trong số đó là mô hình “Tổ Đảng nhận đỡ đầu hộ gia đình thoát nghèo bền vững” hiện đang được triển khai ở 3 tổ đảng trực thuộc chi bộ.

Chia sẻ về cách làm mới này, Thượng tá Võ Thanh Sơn, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê San cho biết: “Cùng với việc phân công đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng và phụ trách hộ gia đình, chúng tôi xây dựng mô hình tổ Đảng nhận đỡ đầu gia đình đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững, nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS do Tỉnh ủy Kon Tum đề ra. Để tạo nguồn vốn ban đầu, chi bộ hỗ trợ một cặp heo giống và giao cho tổ Đảng giúp gia đình xây dựng chuồng trại, bổ trợ kiến thức phòng tránh dịch bệnh và kinh nghiệm chăn nuôi. Chúng tôi xác định phát triển đàn gia súc, gia cầm hiện là cách tốt nhất để bà con từng bước giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, các tổ Đảng không chỉ chịu trách nhiệm trước chi bộ về tính hiệu quả của mô hình, mà còn phải tập trung tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn để mọi người dân cùng được tiếp cận và phát triển…”.
Đến thăm hộ gia đình bà Lô Thị Đút ở thôn 7, xã Ia Tơi, chúng tôi được cảm nhận niềm vui của người phụ nữ dân tộc Thái khi đón nhận “gói trợ giúp” từ Đồn Biên phòng Sê San. Cách đây chưa đầy 6 tháng, gia đình bà được tổ Đảng 1, chi bộ Đồn Biên phòng Sê San nhận đỡ đầu với một cặp heo giống và hàng chục ngày công làm chuồng trại. Từ chỗ không biết gì về chăn nuôi, dưới sự đồng hành của BĐBP, gia đình bà Đút mạnh dạn đầu tư mua thêm heo giống để phát triển đàn. Đến nay, heo đã đầy chuồng, riêng hai con giống của đồn cũng đã bắt đầu sinh sản, tạo nên bước đột phá trong tư duy kinh tế của hộ gia đình người dân tộc Thái này.
“Nếu không có các chú Biên phòng giúp đỡ, chắc chắn gia đình tôi sẽ không được như ngày hôm nay. Các chú không chỉ giúp gia đình về con giống, mà còn hỗ trợ kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh, những điều mà trước đây gia đình chưa từng được biết bao giờ…” -bà Lô Thị Đút bộc bạch với chúng tôi.
Có thể khẳng định, việc tăng cường đảng viên đồn Biên phòng xuống địa bàn chung tay giúp sức với cấp ủy, chính quyền và nhân dân là một trong những giải pháp tối ưu nhất để rút ngắn “lộ trình” thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào DTTS vùng biên giới vươn lên thoát nghèo bền vững. Với vùng đất mới Ia Tơi, nét đẹp này đang ngày càng lan tỏa để “ý Đảng” quyện chặt vào “lòng dân”, mang niềm vui đến với mọi nhà.
Thái Kim Nga