Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 02:55 GMT+7

Ý Đảng - lòng dân nơi phên dậu Tổ quốc

Biên phòng - Trong những năm qua, công tác dân vận của BĐBP nói chung, các đơn vị BĐBP Gia Lai nói riêng liên tục được đổi mới và được triển khai đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều chương trình, mô hình sau một thời gian triển khai đã mang giá trị trường tồn, bởi nó được xây chắc từ niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân. Để có được nụ cười chất chứa niềm tin tương tự câu chuyện của bà Ksor Byơnh ở làng Beng, xã Ia Chía mà chúng tôi kể dưới đây, những người lính Biên phòng (BP) Gia Lai phải đi qua một chặng đường rất dài, bằng tất cả sự kiên trì, tình yêu thương và trách nhiệm…

Chính trị viên Vũ Đình Truyền (bên phải) và cán bộ Đội công tác địa bàn giúp đỡ gia đình ông Pui Toan (làng Beng, xã Ia Chía) rào lại mảnh vườn quanh nhà (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thái Kim Nga

Một nụ cười bằng… mười năm cống hiến

Thật ra, câu chuyện kết nghĩa đỡ đầu bà Ksor Byơnh (dân tộc J’rai) ở làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã có từ hơn 10 năm về trước, kể từ sau chuyến khảo sát địa bàn lựa chọn xây dựng mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo của nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn BP Ia Chía Nguyễn Đức Hùng (hiện là Thượng tá, Chính trị viên Đồn BP cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai). Sau khi biết hoàn cảnh éo le của bà Ksor Byơnh, sống neo đơn, thiếu đất đai canh tác và không có khả năng lao động, Chính trị viên Nguyễn Đức Hùng đã báo cáo xin ý kiến các đồng chí trong cấp ủy đơn vị để bản thân được trực tiếp đỡ đầu người phụ nữ đơn thân tuổi ngoài 60 này vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Với mức hỗ trợ chỉ 300.000 đồng/tháng, nhưng sự đồng hành của người lính BP tựa như “nguồn sáng” mở ra cho bà Ksor Byơnh cơ hội để tự mình thoát nghèo vươn lên.

Bằng sự trải nghiệm trong công tác dân vận trên địa bàn biên giới, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Hùng còn gợi mở cho bà Ksor Byơnh những cách làm kinh tế vừa sức nhưng hiệu quả, nhằm tận dụng lợi thế đất trống quanh bếp, quanh nhà để duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm, tăng thêm nguồn thu nhập. Cùng với đó, vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân được Bí thư Đảng ủy đồn BP phát huy tối đa, với rất nhiều đợt vận động tài trợ, quyên góp nhằm hỗ trợ cây, con giống cho người nghèo trên địa bàn, trong đó có bà Ksor Byơnh.

Ngày chuyển công tác sang đơn vị khác, từ tận đáy lòng mình, Chính trị viên Nguyễn Đức Hùng vẫn chưa thật sự an tâm, bởi cuộc sống của bà Ksor Byơnh tuy đã được cải thiện, nhưng “con đường” thoát khỏi phận nghèo thì vẫn còn hun hút ở phía trước. Mặc dù vậy, nỗi lo của người tiền nhiệm nhanh chóng được người kế nhiệm là Thiếu tá Vũ Đình Truyền (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn BP Ia Chía hiện nay) lấp đầy với “cuộc bàn giao” không biên bản nhưng chứa chan lòng nhân ái.

Vẫn với mức hỗ trợ tương đương 20kg gạo mỗi tháng, song, giờ đây, trong “danh mục” thu nhập của bà Ksor Byơnh đã có thêm nguồn tiền từ việc bán con bò, con lợn, đàn gà, mớ rau - thành quả suốt quá trình dài đồng hành của người lính BP. Dưới sự tham mưu, kết nối của người lính, các kênh hỗ trợ từ xã hội không chỉ được trao tay đúng đối tượng, mà còn phát huy tính hiệu quả, tạo cơ hội để những hộ gia đình nghèo như bà Ksor Byơnh từng bước thoát nghèo vươn lên.

Từ hai bàn tay trắng, đến nay, người đàn bà đơn thân ở làng Beng đã tích góp cho mình được 3 con bò, hàng chục con gia cầm các loại, cùng căn nhà tuy không bề thế, khang trang, nhưng cũng đủ “che nắng, tránh mưa” và được rào dậu chắc chắn. “Có được như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ vào đồn BP, nhờ cháu Hùng, cháu Truyền giúp đỡ. Bộ đội không chỉ giúp mình cái ăn, cái mặc, mà còn chăm lo cho mình nơi ở khi tuổi đã về già. Mình biết ơn BĐBP nhiều lắm...” - bà Ksor Byơnh nở nụ cười thật tươi khi chia sẻ với chúng tôi.

“Cú đề pa” từ luồng gió mới

Câu chuyện 2 đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn BP thay nhau phụ trách, đỡ đầu gia đình có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa giờ đây đã là hình ảnh quá đỗi quen thuộc trên địa bàn 48 thôn, làng thuộc 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai. Theo số liệu báo cáo mới nhất, toàn Đảng bộ BĐBP Gia Lai hiện có 207 đảng viên được phân công phụ trách 852 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, có nhiều trường hợp tuổi cao, sức yếu, không nơi nương tựa. Sự đồng hành, sẻ chia của những đảng viên khoác trên mình bộ quân phục BP tất nhiên không thể cải thiện cuộc sống cho người nghèo trong một sớm, một chiều, nhưng đó là “cú hích”, hay nói một cách khác, đó là điểm tựa để bà con vượt qua chính mình.

Trở lại câu chuyện của bà Ksor Byơnh ở làng Beng, xã Ia Chía. Nếu không có tấm lòng thơm thảo của người lính từ hàng chục năm trước đây thì liệu người phụ nữ đơn thân này có được như ngày hôm nay? Câu trả lời là không. Vì sao? Đơn giản là họ không có khả năng tự vận động vì không thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kể cả khi có đủ nguồn vốn, đất đai canh tác và tư liệu sản xuất.

Thiếu tá Vũ Đình Truyền tâm sự: “Với diện tích đất ở hiện tại, nếu biết cách tính toán thì bà Ksor Byơnh vẫn có thể sống tốt nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, bao nhiêu năm vẫn vậy, vườn không rào, đất thì bỏ hoang, hỏi đến, bà lại bảo sức khỏe yếu và... không biết làm. Chúng tôi đặt ra mục tiêu, mỗi lần xuống địa bàn là phải làm cho được một việc, khi thì kéo thêm đoạn hàng rào, lúc thì sửa lại mái nhà, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, thậm chí là chỉ đào cái hố để trồng vào đó một cây ăn quả. Số đất trống còn lại, anh em tận dụng xin giống mỳ (sắn) của bà con về trồng. Cứ như vậy, lâu ngày rồi cũng xóa được cảnh vườn không, nhà trống. Năm ngoái, chúng tôi trồng được khoảng hơn chục cây ăn quả gồm xoài, mít, sầu riêng, cùng với đó, thu hoạch mỳ bán được hơn 2 triệu đồng. Thành quả này như bước đột phá, bởi theo lời bà Ksor Byơnh, thì đây là lần đầu tiên bà có được những đồng tiền từ việc bán sản phẩm do chính tay mình làm ra...”.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con là tiêu chí đặt ra đối với mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ BĐBP Gia Lai khi được phân công phụ trách hộ gia đình. Không nói đâu xa, riêng chuyện rào vườn để tận dụng nguồn đất quanh bếp, quanh nhà thì cũng đã có không ít hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới chưa làm được. Rõ ràng, đó là sự lãng phí không hề nhỏ. Ngay tại làng Beng, xã Ia Chía, có trường hợp ông Pui Toan, hộ gia đình đang được Đồn BP Ia Chía hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Mặc dù thuộc lớp người trẻ, có sức khỏe và cũng không thiếu đất đai sản xuất, nhưng gia đình Pui Toan vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Khi triển khai xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, có những việc đồn BP phải làm từ đầu. Đại úy Rơ Châm Choe, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Ia Chía (đảng viên được phân công phụ trách gia đình Pui Toan) cho biết: “Ngoài việc giúp đỡ hỗ trợ gia đình sửa sang nhà cửa, tặng bò giống và cây giống phát triển kinh tế, chúng tôi vẫn phải trực tiếp xắn tay áo để rào lại mảnh vườn quanh nhà. Bởi, nếu không quy hoạch, sắp xếp, rào dậu kỹ càng thì không thể trồng bất cứ cây gì, nuôi được con gì trên đó cả...”.

Rõ ràng, đây là thực tế cần được quan tâm để góp phần nâng cao hiệu quả phong trào cải tạo vườn tạp hiện đang được các địa phương tập trung triển khai. Vậy nên, chúng ta hãy bắt đầu từ “cái hàng rào” trước khi nghĩ đến những dự án phát triển kinh tế khác. Khi đảng viên đồn BP được phân công về làng phụ trách hộ gia đình, thì từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải đồng hành cùng bà con. Có như vậy thì lòng dân mới thực sự ấm lên cùng ý Đảng để biên giới mãi mãi được bình yên.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO