Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 01:13 GMT+7

Xuyên bão biển cứu dân

Biên phòng - Phần lớn tàu của BĐBP là loại tàu tuần tra, chiến đấu cỡ nhỏ. Đây không phải là loại tàu cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, nhưng nhiều lần đã cứu vớt ngư dân bị nạn trên biển thành công. Trước khi tàu SAR của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam ra đời, công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đều do tàu của BĐBP đảm trách.

rq47_7a
Tàu của Hải đội 2, BĐBP Quảng Ngãi cứu nạn tàu cá trên biển. Ảnh: Lê Văn Chương

“8 lạng kéo 1 cân”

Lúc 10 giờ 45 phút, ngày 15-7-2018, chiếc tàu tuần tra BP 08-12-02 của BĐBP TP Đà Nẵng trở vào đất liền sau một cuộc hành trình dài đi cứu nạn tàu cá ĐNa 90873 TS. Trước đó, chiếc tàu cá này trên đường về cửa biển Đà Nẵng đã bị chết máy cách đất liền 24 hải lý. Khi tàu Biên phòng kéo tàu bị nạn về bến an toàn, mọi người mới có dịp so sánh và nhận ra ngoài chuyện vất vả vật lộn sóng gió, đó là tàu đánh cá của ngư dân còn to và dài hơn cả tàu Biên phòng. 

Cách đây khoảng 10 năm về trước, phần lớn tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung có chiều dài thân vỏ là 15m. Công việc cứu nạn của những người lính Biên phòng có phần thuận lợi vì “tàu mẹ cứu tàu con”. Nhờ đó mà có những chuyến đi khơi cứu nạn cách bờ hàng trăm hải lý cũng được thực hiện thành công. Chuyến đi khó quên nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam là đưa tàu tuần tra ra tới quần đảo Hoàng Sa trong lúc thời tiết xấu để cứu tàu bị nạn vào bờ.

Đó là vụ cứu nạn vào năm 2002. Tàu cá QNa 94619 TS của ngư dân Trần Công Thi (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị chết máy, trôi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tàu gặp nguy hiểm vì sóng to, gió lớn nên 26 ngư dân làm nghề câu mực liên tục điện vào bờ nói: “26 mạng người, mấy anh ơi!”. Tọa độ tàu bị nạn cách đất liền khoảng 170 hải lý.

Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ lúc đó giữ cương vị Hải đội trưởng trực tiếp chỉ huy tàu đi cứu nạn. Biển “chào đón” con tàu chở những người dũng cảm đi cứu ngư dân bằng những đợt sóng dâng cuồn cuộn và gió thổi dữ dội. Càng ra khơi, sóng biển càng lớn. Nhưng cuối cùng, con tàu vẫn miệt mài vượt sóng và tiếp cận tàu bị nạn, đưa các ngư dân trở về bờ an toàn.

Đến thời điểm hiện nay, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 412 liên tục ra tận quần đảo Hoàng Sa cứu nạn. Nhưng chiếc tàu Biên phòng với kích thước bé nhỏ và công suất máy 1.000 mã lực đã vượt quãng đường xa gấp 10 lần vùng nước nội thủy mà con tàu này thường tuần tra thì quả là chuyến đi nhớ đời với những người lính BĐBP.

“Cứu tinh” của ngư dân

Tàu tuần tra và chiến đấu của BĐBP sơn màu xám “kiểu nhà binh”. Đến năm 2013, những chiếc tàu cứu nạn sơn màu đỏ đầu tiên được trang bị cho một số đơn vị trọng điểm, trong đó có BĐBP Quảng Ngãi. Từ năm 2013 đến nay, tàu BP 09-19-01 của BĐBP Quảng Ngãi đã cứu nạn thành công một số tàu của ngư dân bị nạn trên biển. Tiêu biểu là vụ đêm 6-11-2013, Hải đội 2 đi cứu tàu cá ĐNa 90297 TS của ngư dân Đà Nẵng bị chết máy trôi dạt. Tọa độ con tàu trôi nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, cách đất liền  khoảng 45 hải lý. Các ngư dân điện vào đất liền và liên tục nói, “nước vô, tàu sắp bị chìm!”.

Tàu BP 09-19-01 nhanh chóng xuất hành đi chuyến đầu tiên. Trong đêm tối, những người lính Biên phòng bám chặt theo hướng định vị cho tàu tăng tốc chạy. Con tàu liên tục chòng chành và có lúc bị đẩy lệch hướng vì sóng to, gió dữ dội, mũi tàu bị đẩy lên cao rồi hụt xuống dưới những thung lũng sóng sâu.

Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, tàu cứu nạn đã tiếp cận được tàu ngư dân bị nạn. Tàu bị nạn trông giống như một bó cây trôi vô định và bị sóng đánh tơi tả. Toàn bộ ngư dân đi trên tàu đều mệt lử, tay chân ngấm nước nên da trắng bệch vì lạnh. Các chiến sĩ Biên phòng phải thận trọng đưa tàu tiến vào từ từ, vờn nhau với sóng để giữ khoảng cách an toàn cho đến khi sợi dây ném sang được buộc vào mũi tàu để hành trình trở về.

Cứu tàu cá của ngư dân trong điều kiện biển động cấp 7, đêm tối gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Nhưng sự nguy hiểm và khó khăn tăng lên vì tàu bị nạn là loại tàu câu mực, trên nóc tàu đội một chiếc giàn to. Con tàu liên tục chao đảo lắc lư như con lật đật và sức ỳ rất lớn. Khi đưa tàu câu mực về tới cửa biển Sa Kỳ thì tàu Biên phòng phải dừng lại vì sóng lớn bít cửa. Mờ sáng hôm sau, 2 con tàu mới vào được đất liền.

Con tàu thanh niên

Phần lớn những người lính trên những chiếc tàu tuần tra Biên phòng đều có tuổi đời trẻ, tinh thần xung kích, sẵn sàng xông pha trên biển cả để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. BĐBP Bình Định đã thành lập mô hình “Con tàu thanh niên”. Cứu nạn là nhiệm vụ của người lính trong thời bình, nhưng việc ra đời “Con tàu thanh niên” đã tiếp thêm sức mạnh ý chí cho những người lính trẻ.

Vụ cứu nạn tiêu biểu của Hải đội 2, BĐBP Bình Định, đó là vào ngày 1-11-2016, tàu cá BĐ 95387 TS, do ông Nguyễn Hoàng Chí, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm Thuyền trưởng trên đường hành nghề câu cá ngừ đại dương thì bị hỏng máy trôi dạt trên biển cách cửa biển Quy Nhơn 19 hải lý. Do không khắc phục được sự cố máy móc nên 3 ngư dân trên tàu đã phát tín hiệu cho BĐBP đề nghị cứu kéo tàu vào bờ. Vụ cứu nạn đã diễn ra thành công.

Chỉ 3 ngày sau, vào lúc 21 giờ 30 phút, ngày 4-11-2016, các ngư dân đi trên tàu cá BĐ 97977 TS, do ông Lê Minh Bình, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm Thuyền trưởng đã gọi cứu hộ vì tàu hỏng máy trên biển. Hải đội 2 đã cử tàu BP 32-06-02 cùng 10 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đi cứu nạn tàu cá với 9 ngư dân trên tàu. Phải mất nhiều giờ vượt qua sóng biển trong đêm tối mịt mùng, tàu Biên phòng mới cứu được tàu bị nạn và ngư dân đưa vào bờ an toàn.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO