Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:54 GMT+7

Xuống núi "hội nhập"

Biên phòng - Đưa cánh tay chằng chịt những đường gân trông tựa như rễ cây rừng, anh Hầu Nhè Chúng, dân tộc Mông, chỉ lên dãy núi đá xám ngắt, lờ mờ, ẩn hiện trong làn sương phía xa, nói với tôi: "Nhà mình ở bản Lao Chải, cách Sa Pa gần chục cây số, nhưng hầu như tuần nào cũng có mặt ở thị trấn đôi ba lần. Kiếm lá thuốc trên núi đá cheo leo, gần trời hơn đất, cực nhọc lắm. Nhưng vẫn phải cố gắng để kiếm thêm đồng tiền nuôi con ăn học thôi…".

jtl1_10a
Sùng A Sân đang tích cực lao động để kiếm tiền mua một chiếc xe máy mới. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

Tảo tần kiếm sống

Thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) những ngày cuối thu, ông mặt trời thức dậy muộn hơn. Mới sáng sớm, anh Hầu Nhè Chúng đã có mặt tại đây, với một gùi nặng các loại lá thuốc như xuyên khung, đương quy, gấu tầu... mà cả ngày hôm qua, hai vợ chồng lặn lội thu hái trên khắp các triền núi thuộc dãy Hoàng Liên mới có được để đem xuống phố bán cho các cơ sở làm dịch vụ tắm thuốc phục vụ khách du lịch trong thị trấn.

"Mình là người Mông, vốn không thạo nghề hái lá thuốc, nhưng được một anh bạn trước đây cùng đi bộ đội là người Dao, nhà ở thị trấn Sa Pa bày cho. Mấy năm nay, anh ấy đặt hàng mình thường xuyên để nấu nước lá tắm phục vụ khách du lịch. Cứ vài ngày lại có một chuyến giao hàng. Chừng đó cũng tạm đủ để lo bù thêm cho đứa con trai lớn là sinh viên đang học dưới Hà Nội và đứa em nó học tại trường nội trú tỉnh" - Hầu Nhè Chúng trần tình.

Khoảng 8 giờ 30 phút, khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua những đám mây mù còn vương vít khắp các ngọn cây, anh Chúng đã hoàn tất công việc giao hàng của mình. Trong hàng nước, rít điếu thuốc lào rồi chiêu thêm ngụm nước chè, phả hơi đầy sảng khoái, anh tâm sự với tôi: "Giờ lá thuốc trên dãy Hoàng Liên không còn nhiều nữa, phải vào tận rừng sâu, vất vả lắm nhưng cũng phải đi thôi, phải chịu khó lặn lội xuống thị trấn "hội nhập" để mai này, con cái không còn phải khổ như mình nữa...".

Những mong ước về tương lai phía trước của hai đứa con hiển hiện trên ánh mắt như biết nói của người đàn ông dân tộc Mông nơi núi rừng Sa Pa khiến lòng tôi như lắng lại. Chợt nghĩ đến mấy chị phụ nữ người Tày ở bản Thanh Sơn mà tôi gặp mấy hôm trước, khi họ cuốc bộ xuống chợ Phương Độ, ở gần cửa khẩu Thanh Thủy (thuộc xã biên giới Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Với họ, bao nhiêu năm dường như vẫn thế, đường đến chợ đã quá quen - như chị Dương Thị Mền, chủ một gánh hàng nhỏ, "bám trụ" ở ngôi chợ này đã 5 năm nay, hằng ngày tất tả gom dăm nải chuối, vài lạng nấm hương hay cân mộc nhĩ, chục trứng gà cùng mấy mặt hàng lặt vặt khác từ bản này qua bản khác để kiếm kế sinh nhai. Nhưng sự chất phác, hiền lành của người miền biên viễn vẫn in rõ trên khuôn mặt chị. Vừa mời khách mua hàng, chị vừa trả lời nhát gừng những câu hỏi của tôi: "Mình có 4 đứa con, đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Có gánh hàng, dù sao cũng đỡ cực nhọc hơn công việc làm ruộng, làm nương, lại có "tiền tươi" mang về trong ngày trang trải cuộc sống cho gia đình...".

Những ước mơ mang dáng hình của núi

Không xuôi ngược như mấy chị tiểu thương người Tày ở chợ Phương Độ, nhóm thợ phu hồ dân tộc Mông, nhà ở mãi trên vùng núi Tam Sơn, Quản Bạ lại chọn cuộc mưu sinh qua từng công trình xây dựng, khắp thành phố Hà Giang. Để tiết kiệm chi phí ăn ở, họ chọn cách tạm cư trong dãy nhà trọ rẻ tiền gần chợ Phương Độ. Khi hoàng hôn chập xuống, những người con lớn lên từ núi mới kết thúc một ngày làm việc với khoản thu nhập nho nhỏ tạm tính trong đầu.

Giữa nhập nhoạng chiều muộn phố núi, Sùng A Sân, một chàng trai trẻ, dáng người chắc nịch, mái tóc hoe đỏ, cứng như rễ tre tâm sự với tôi, đại ý rằng, bố mẹ mất cả rồi, lâu lâu mới lên núi thăm quê một lần. Nghề phu hồ vất vả, nhưng còn nhàn hơn cày nương trên cao nguyên đá. Sân đã đặt mục tiêu chịu khó làm ăn, tích góp ít tiền mua cho được cái xe máy mới để bằng chúng, bằng bạn, sau đó mới tính đến chuyện "bắt vợ", ổn định cuộc sống.

nizr_10b
Người phụ nữ Tày ở bản Thanh Sơn bên gánh hàng nhỏ của mình. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

"Thị trấn Tam Sơn giờ sầm uất thế, sao lại về thành phố tìm cách kiếm tiền?" - tôi hỏi Sân, khi màn đêm bắt đầu ùa xuống vùng biên giới Thanh Thủy. Không một chút lúng túng, Sân thổ lộ: "Đàn ông Mông từ lúc biết đi, đã theo cha lên nương gieo cây ngô trong hốc đá. Còn phụ nữ đã biết tước lanh, dệt thổ cẩm. Nhưng thời buổi bây giờ khác rồi, thanh niên phải bay nhảy cho biết đây, biết đó. Mình có sức khỏe thì phải tìm cách kiếm được nhiều tiền, có chút vốn dắt lưng rồi về quê tìm hướng làm ăn cũng chưa muộn...".

Cùng độ tuổi với thợ phu hồ người Mông Sùng A Sân bên Hà Giang, Lò Văn Lừng, nhà ở xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là người đã có thâm niên một mình ngược núi - hạ sơn mưu sinh đã 3 năm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Trong hành trình điền dã ở đất Điện Biên trước khi sang vùng cao nguyên đá bên Hà Giang, tôi gặp Lừng ở chợ Mường Phăng, khi chàng trai người Thái này đang khệ nệ trên người cả chục giò lan. Lừng "bật mí" với tôi, chừng ấy thời gian lăn lộn với nghề "săn" lan, cậu đã thuộc làu những loài lan bám rễ trong các khu rừng quanh vùng, sành sỏi trong việc phân chủng loại lan từ "bình dân" đến quý hiếm.

Theo Lừng thì lan rừng ngày càng hiếm, vì cách đây chưa lâu, ở Điện Biên có phong trào "tận diệt" lan để bán sang Trung Quốc. Chính vì thế mà độ này có đi tìm mỏi mắt, mỏi chân, lâu lâu mới gặp được một giò lan. "Khó kiếm quá, mình mới học cách ươm trồng, chăm sóc lan để có hàng bán thường xuyên cho khách du lịch dưới xuôi lên Mường Phăng. Chưa giàu được bằng nghề này, nhưng ngày nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Với mình bây giờ, không còn "mùa nhàn rỗi" nữa. Mình sẽ tích cóp dần, khi đủ vốn sẽ đầu tư một vườn ươm trồng lan để thường xuyên gửi về xuôi bán...".

Trong câu chuyện với tôi, Lừng chỉ mong ước đến một ngày, người vợ mới cưới không còn phải sớm hôm vất vả, nhọc nhằn. Thay vì phải vào rừng kiếm củi, hái măng, ngày ngày, cô ấy sẽ cùng chồng chăm sóc vườn lan, để những giò hoa khiết tụ nguyên thủy, tinh khiết của con người, của những ngọn núi trên đất Mường Phăng, sau đó sẽ theo những chuyến xe về làm đẹp cho người, cho đời nơi thành phố.

Giữa không khí náo nhiệt của chợ phiên Mường Phăng, câu chuyện của chàng thanh niên chịu thương chịu khó như tan loãng vào cơn gió núi vừa thoảng qua. Nhưng thật lạ, những ước mơ thật bình dị, nguyên sơ mà cậu tiết lộ vẫn đọng lại mãi trong tâm trí của tôi.

Tôi gọi đó là những ước mơ mang dáng hình của núi.

Hoàng Phương Uyên

Bình luận

ZALO