Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 03:57 GMT+7

Xung quanh vấn đề ADIZ trên biển Hoa Đông

Biên phòng - Trong bối cảnh các tranh cãi chủ quyền lãnh hải ngày càng gia tăng ở biển Hoa Đông, Hàn Quốc vừa tuyên bố mở rộng Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) với phạm vi chồng lấn không phận mà Trung Quốc vừa tuyên bố thiết lập trước đó và sẽ bao trùm cả đảo đá I-eo-đô mà Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu, nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam Hàn Quốc. ADIZ mới này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12.

25b-1.jpg
ADIZ mà Trung Quốc lập trên quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư gây lo ngại bùng nổ xung đột. Ảnh: AFP
Xơ-un đã thông báo với các láng giềng cũng như các nước liên quan về kế hoạch mở rộng ADIZ - lần đầu tiên kể từ khi được thiết lập trong 62 năm qua (vùng phòng không của Hàn Quốc vốn do Không quân Mỹ thiết lập năm 1951 trong Chiến tranh Triều Tiên). Theo tuyên bố, không phận mới sẽ được mở rộng thêm 66.480km2 - tương đương 2/3 diện tích Hàn Quốc - về phía ngoài khơi bờ biển phía Nam nước này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc mở rộng không phận này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động hàng không thương mại. Diện tích Vùng nhận dạng phòng không mới của Hàn Quốc cũng chồng lấn một phần với không phận Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định quyết định này của Xơ-un không hề xâm phạm chủ quyền các quốc gia láng giềng.

ADIZ của Trung Quốc hình chữ nhật dài gần 1.000km và rộng 600km, với tâm điểm nằm cách Ninh Ba khoảng 450km về phía Đông. Ở góc Đông Nam của vùng này có quần đảo nhỏ Xen-ca-cư/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản) với hòn đảo lớn nhất dài 3,6km và rộng 1,7km. Ngoài ra, vùng này cũng bao gồm các phần của hai đảo I-eo và Chê-chu, thuộc về Hàn Quốc và chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc trong một khu vực rộng 20km và dài 115km.

Hiện tại, những động thái đang diễn ra ở xung quanh ADIZ mà Trung Quốc mới thiết lập mang tính "nắn gân" hơn là chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc tranh luận không chứa đựng nguy cơ đi quá đà hay không gây ra hậu quả tiêu cực nào đó. Thời gian gần đây, các chuyến bay tuần tra đã gia tăng đáng kể trên bầu trời xung quanh quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư. Không quân Trung Quốc cho biết, một máy bay cảnh giới KJ-2000 (tức loại máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không của Trung Quốc) và nhiều máy bay chiến đấu Sukhoi 30, J-11 đã được điều động vào ADIZ và nhận dạng được 2 chiếc máy bay trinh sát của Mỹ, 10 chiếc máy bay chiến đấu của Nhật Bản. Dĩ nhiên, cuộc leo thang trên không này đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố.

Ban đầu, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh nhằm mục đích tác động vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với Nhật Bản có vẻ như không mấy khả quan, khi Oa-sinh-tơn lên tiếng phủ nhận và cử hai máy bay B-52 bay qua Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa mới thiết lập. Tuy nhiên những ngày sau đó, có vẻ như Trung Quốc hoàn toàn có lý do để cho rằng các tranh cãi về ADIZ là cơ hội để họ "gặt hái" thành công. Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) đã khuyến cáo các hãng hàng không tuân thủ yêu cầu khai báo nhận dạng của giới chức Trung Quốc. Các hãng hàng không của nhiều nước cũng tuyên bố tuân thủ các quy định mới của Bắc Kinh.

Không chỉ vậy, sự thắng thế của Trung Quốc còn được thể hiện qua chuyến công du đã được lên kế hoạch từ trước tới 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đân. Tại Tô-ki-ô, ông Bai-đân chỉ thể hiện rằng lấy làm tiếc trước việc ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với không phận mà Nhật Bản kiểm soát. Còn trong cuộc gặp kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ ở Bắc Kinh, cả Phó Tổng thống Mỹ Bai-đân và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đều không hề đề cập tới vấn đề ADIZ. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung, sự cần thiết của tính "minh bạch" và "lòng tin". Tuy ông Bai-đân cho biết đã thẳng thắn giải thích rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình về quan điểm của Oa-sinh-tơn đối với Vùng nhận dạng phòng không, song thái độ thận trọng trong cuộc gặp này đã cho thấy rằng Mỹ thực sự muốn đóng một vai trò hòa giải và ổn định khu vực hơn là chỉ trích Trung Quốc và làm tăng nguy cơ xung đột.

Xét cho cùng, mặc dù Mỹ luôn phủ nhận tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, song thực tế Oa-sinh-tơn đã chấm dứt việc kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ quyết định này. Trung Quốc đương nhiên không thể rút lại những gì tuyên bố và làm theo yêu cầu của phía Nhật Bản. Đổi lại, Mỹ cũng nhận thức rõ rằng, việc gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ ADIZ sẽ chỉ góp phần gia tăng các căng thẳng.

Chuyến công du vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn trên thực tế đã củng cố cán cân mới tại khu vực và xét theo một số khía cạnh nào đó, Mỹ có thể được xem là "trọng tài" trong cuộc cạnh tranh Trung - Nhật. Ngoài ra, việc lập ADIZ của Trung Quốc cũng là lời nhắc nhở Mỹ, khiến nước này phải xem xét lại chính sách châu Á - Thái Bình Dương của mình.
25a-1.jpg
Các ADIZ chồng lấn nhau ở biển Hoa Đông. Ảnh: Yonhap

Việc lập các ADIZ không phải là mới, luôn là đơn phương và gây tranh cãi, song cũng không phải là một hành động bất hợp pháp, lại càng không phải một vùng đặc quyền. Trên thế giới hiện có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố về vùng phòng không như vậy. Do tốc độ tiếp cận của máy bay nên các vùng này được thiết kế như một "không gian đệm" giúp hệ thống phòng không của một nước có thời gian phản ứng trước một máy bay thù địch đang bay vào không phận quốc gia của mình. Tuy buộc phải tuân thủ yêu cầu nhận dạng, song các vùng này vẫn được coi là không phận quốc tế, kể cả khi chúng chồng lấn nhau. Bắn hạ một máy bay ở trong những vùng như vậy, cho dù phương tiện đó không đáp lại yêu cầu nhận dạng, có thể là vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo truyền thông Trung Quốc, ADIZ của Nhật Bản với diện tích lớn gấp 10 lần đã được Mỹ lập ra và chuyển giao cho Nhật Bản quản lý trong năm 1969. Họ nói rằng Nhật Bản đã đơn phương mở rộng vùng này hai lần, vào năm 1972 và 2010. Tuy nhiên, ADIZ của Nhật Bản không được Trung Quốc hay Nga công nhận. Mỹ có 5 ADIZ xung quanh khu vực Bắc Mỹ, bao gồm một vùng rộng lớn bên ngoài A-lát-xca và quần đảo A-lêu-ti-ân với hàng trăm ki-lô-mét mở rộng ra biển. Trong vùng này, cả máy bay dân sự và quân sự nước ngoài đều bị theo dõi, chất vấn.

Về lý thuyết, các ADIZ chồng lấn nhau không phải là điều bất thường và có thể giải quyết theo cách cùng hợp tác giống như trường hợp giữa Mỹ và Ca-na-đa. Tuy nhiên, ở biển Hoa Đông, các vùng nhận dạng này liên quan đến không phận bên trên các đảo và vùng biển tranh chấp của hai nước đối địch nhau, do đó có nguy cơ dẫn tới xung đột.

Hy vọng rằng, tất cả các bên sẽ kiềm chế và tình trạng này có thể được thương lượng cũng như giải quyết bằng một số định hướng tình nguyện nào đó đối với việc điều động các máy bay quân sự trong những vùng chồng lấn nhau. Nhật Bản và Nga có một quá trình tham vấn thường xuyên "để giám sát những va chạm quân sự và ngăn chặn hành vi nguy hiểm" xung quanh quần đảo Nam Cu-rin/Vùng lãnh thổ phương Bắc".

Hiện nay, không có quy định quốc tế chính thức nào liên quan đến khu vực nhận dạng phòng không, nên một hội nghị được Liên hợp quốc bảo trợ có thể giúp hình thành một thỏa thuận quốc tế để giải quyết những vấn đề này.
Thanh Phương (Theo tạp chí Tin Trung Hoa)

Bình luận

ZALO