Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Xung đột biên giới: Hòa bình vẫn còn mong manh ở nhiều nơi

Biên phòng - Theo giới chuyên gia an ninh quốc tế, thời đại ngày nay được đánh giá là tương đối hòa bình so với lịch sử đầy biến động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc xung đột vẫn diễn ra, đặc biệt là những cuộc xung đột biên giới kể từ năm 2022 đến nay là ví dụ điển hình cho thấy, hòa bình vẫn còn mong manh ở nhiều nơi.

Người biểu tình Palestine xung đột với các lực lượng Israel tại thành phố Jenin, Bờ Tây. Ảnh: THX

Ranh giới mong manh

Ngọn lửa thù hận đã thổi bùng vào tháng 9/2022 khi diễn ra cuộc xung đột biên giới Tajikistan - Kyrgyzstan khiến gần 100 người thiệt mạng. Đây là đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa hai quốc gia Trung Á láng giềng. Trong đó, cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau sử dụng xe tăng, súng cối, pháo phản lực và máy bay không người lái tấn công tiền đồn và khu định cư.

Vụ xung đột sau đó ít ngày đã được chấm dứt khi hai nước ký một bản nghị định thư. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán và theo đuổi thực hiện những thỏa thuận về ngừng bắn và giảm leo thang căng thẳng. Nghị định thư này đã tạo điều kiện cho việc chấm dứt hoàn toàn sự thù địch, hai nước rút các binh sĩ và thiết bị quân sự về nơi đồn trú, kiểm tra chung tiền đồn biên giới và văn phòng chỉ huy… Đồng thời, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để nhanh chóng khôi phục hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới.

Cùng thời điểm với cuộc đụng độ biên giới Tajikistan - Kyrgyzstan, căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan tái bùng phát. Vụ xung đột giữa hai nước diễn ra trong 2 ngày giữa tháng 9, cướp đi sinh mạng của hơn 170 binh sĩ của cả hai nước. Hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn đạt được vào tháng 11/2020.

Liên hợp quốc (LHQ) sau đó kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng Armenia - Azerbaijan, cũng như không ngừng nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại. LHQ cũng kêu gọi các nỗ lực quốc tế để đưa các bên trở lại bàn đàm phán và giúp Armenia, Azerbaijan đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trước đó, xung đột Armenia - Azerbaijan vào tháng 11/2020 kéo dài 44 ngày từng khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng, sau đó hai bên đạt được lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Vụ xung đột xảy ra liên quan tới tranh chấp vùng Nagorno - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia. Mâu thuẫn này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra từ đó đến nay.

Những ngày đầu năm mới ghi nhận sự tang thương, bàng hoàng bao trùm khắp khu vực với hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu nhất trong nhiều năm gần đây giữa người Israel và Palestine.

Đỉnh điểm là vào rạng sáng ngày 26/1/2023, quân đội Israel đã tiến hành vụ tập kích nhắm vào một khu trại tị nạn ở thành phố Jenin của người Palestine khiến 9 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Ngày 27/1, một tay súng người Palestine đã xả súng vào đám đông tín đồ Do Thái bên ngoài một giáo đường tại khu định cư Neve Yaakov ở Jerusalem, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Trong 24 giờ tiếp đó, liên tiếp xảy ra 3 vụ tấn công khác nhắm vào người Israel và cảnh sát Israel đã tiến hành một cuộc càn quét lớn ở Bờ Tây, bắt giữ hàng chục đối tượng và áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh.

LHQ đã bày tỏ quan ngại trước vòng xoáy bạo lực có thể sẽ leo thang ở Bờ Tây, từ đó hối thúc chính quyền Israel và Palestine kiềm chế và tránh gây ra những hành vi bạo lực trong thời gian tới, cũng như ngay lập tức giảm căng thẳng và ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng.

Theo LHQ, tình trạng bạo lực ở cấp độ cao và một số xu hướng tiêu cực liên quan xung đột Israel - Palestine xảy ra liên tục trong năm 2022 và vẫn tiếp diễn trong tháng đầu năm 2023.

Giới phân tích an ninh cho rằng, làn sóng bạo lực mới nhất giữa Israel và Palestine bị kích động bởi các yếu tố khác nhau nhưng đều có mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Xung đột tôn giáo dai dẳng liên quan đến các khu vực linh thiêng của cả người Hồi giáo và Do Thái giáo tại thành phố Jerusalem đã “lửa đổ thêm dầu” sau khi chính phủ mới của Israel áp dụng những chính sách cứng rắn đối với người Palestine.

Hình thái mới

Giới chuyên gia cho rằng, thế giới hiện đại vẫn đang xảy ra hàng chục “điểm nóng” xung đột bao trùm khắp thế giới. Trong đó, điều đáng quan ngại nhất cho triển vọng của tương lai thế giới là các xung đột giữa các quốc gia, căng thẳng nhất là ở châu Á, châu Phi và ngay cả “lục địa già” châu Âu.

Hầu hết các vụ bạo lực, xung đột biên giới đều xuất phát từ những nguyên nhân mâu thuẫn, thù hận dai dẳng từ lịch sử đến ngày nay. Dẫu vậy, ở góc độ tích cực, thống kê từ các cơ quan chức năng của quốc tế cho biết, số người chết vì bạo lực và chiến tranh đã giảm dần theo thời gian, dễ thấy nhất là tỷ lệ tử vong trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 2016.

Binh sĩ Armenia trong cuộc giao tranh với lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Ảnh: AFP

Dù số người chết liên quan đến chiến trận giảm, song, LHQ đánh giá, số lượng các cuộc xung đột xảy ra trong những năm gần đây đang gia tăng đáng quan ngại.

Kết quả nghiên cứu của LHQ chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa tựu trung trong các cuộc xung đột gồm: Căng thẳng khu vực; pháp quyền bị phá vỡ; tình trạng vô chính phủ; thu lợi bất chính về kinh tế; sự khan hiếm tài nguyên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. LHQ cũng chỉ ra rằng, chiến tranh truyền thống giữa các quốc gia và thương vong tuy giảm nhưng hiểm họa bạo lực vẫn rất phổ biến. Điều này kéo theo việc nhiều quốc gia liên tục củng cố sức mạnh quân sự và dành những khoản kinh phí khổng lồ cho quốc phòng.

Giới chuyên gia an ninh đánh giá, trong thế kỷ 21, chiến tranh và xung đột vẫn sẽ hiện hữu và gây ảnh hưởng tới hàng triệu người. Trong đó, chiến tranh truyền thống đang thay đổi và ít gây thương vong hơn. Điển hình trong đó, chiến tranh có xu hướng dịch chuyển sang không gian mạng và công nghệ mới, đe dọa các cuộc bầu cử quốc gia… làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột. Đây cũng là tương lai của chiến tranh và xung đột trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO