Biên phòng - Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong BĐBP Gia Lai. Trong 5 năm qua, đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc, vượt khó lập công, khẳng định tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Họ là những “ngôi sao xanh” luôn tỏa sáng giữa núi rừng biên giới...
Tỏa sáng trên vùng biên năng động, phát triển...
Quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trọng điểm, nơi có cặp cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (Việt Nam) - Ô-da-đao (Campuchia), một đầu mối giao thông quan trọng và năng động bậc nhất trên vùng tam giác phát triển, những người lính Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh luôn phải gánh vác vai trò đầu tàu trên tất cả các phong trào thi đua. Từ công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng đơn vị, tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình trên biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đến việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn, mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải nỗ lực thật nhiều.
Trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng tâm sự: “Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh có bề dày truyền thống rất đáng tự hào, là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên trên tuyến biên giới hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đây là công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước và chúng tôi hôm nay cần phải biết trân trọng, phát huy để những nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trên biên giới”.
Đứng chân trên vùng biên năng động và phát triển, bên cạnh làm tốt công tác xây dựng nội bộ, có ba nhóm nhiệm vụ mà đơn vị thường xuyên quan tâm chăm lo, đó là đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn Campuchia, tham gia xây dựng địa bàn ổn định, phát triển.
Trong 5 năm qua, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 124 vụ/210 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có 4 vụ/9 đối tượng tội phạm ma túy, tang vật thu giữ gần 1kg ma túy dạng đá và heroin, 75.632 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, 14,350kg pháo nổ, gần 100m3 gỗ các loại, xử lý vi phạm hành chính số tiền gần 450 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Các chương trình, mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở được triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả cao, góp phần cùng chính quyền địa phương các cấp xây dựng xã Ia Dom trở thành xã biên giới đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên lĩnh vực công tác đối ngoại, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng với chính quyền và các lực lượng chức năng phía đối diện theo đúng nguyên tắc, quy định về công tác đối ngoại, thực hiện chế độ gặp gỡ, thông báo, trao đổi tình hình và phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia trong tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Biên phòng, đồn còn chủ động làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, mở rộng đối ngoại nhân dân qua mô hình “kết nghĩa bản - bản” giữa thôn, làng hai bên biên giới. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân hai nước về quốc gia, quốc giới, về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia để cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Thầm lặng dấu chân “người lính làng”
Nếu nói ở một vùng biên phát triển như CKQT Lệ Thanh, người lính Biên phòng phải thường xuyên đổi mới tư duy làm việc, năng động, quyết đoán trong xử lý các tình huống, thì tại các địa bàn xa xôi, khó khăn như xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai), những “ngôi sao xanh” vẫn có cách tỏa sáng rất riêng của mình.
Chúng tôi gọi Thượng úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng vận động quần chúng (VĐQC) Đồn Biên phòng Ia Mơ là “người lính làng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi gia đình anh là công dân của làng Klả, xã Ia Mơ từ năm 2005 đến nay. Công việc mỗi ngày của người Đội trưởng VĐQC là bám thôn, bám làng và lặng lẽ như chính các chủ nhân ở đây vậy. Thượng úy Rơ Ô Thuy có lợi thế là người con của dân tộc thiểu số Jrai nên tất tần tật từ nếp ăn, nếp nghĩ, nếp làm của bà con, anh đều nắm chắc như trong lòng bàn tay. Nhưng trên tất cả, chất chứa trong trái tim người sĩ quan Biên phòng này là tình yêu thương và trách nhiệm.
Gần 15 năm trước, gia đình Rơ Ô Thuy “nhập khẩu” lên xã Ia Mơ với đôi bàn tay trắng. Ở đó, trước khi dựng được một cái lán rất nhỏ (người Jrai gọi là chòi) để làm nơi sinh sống, nuôi nấng 2 đứa con thơ, vợ chồng anh ở tạm nhà trong dân. Thời gian không quá dài, song cũng đủ để Rơ Ô Thuy cảm nhận tình yêu thương của cộng đồng dành cho những người lính Biên phòng như anh. Ân tình không phải là món nợ phải trả, nhưng với Rơ Ô Thuy, làm được cái gì giúp dân là anh sẵn sàng.
Vào thời điểm đưa gia đình lên đây lập nghiệp, xã Ia Mơ vẫn còn ngổn ngang bao khó khăn. Đất đai cằn cỗi bạc màu mà người dân cũng chỉ biết sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp. Mô hình canh tác lúa nước được Đồn Biên phòng Ia Mơ triển khai xây dựng ngay tại đội công tác địa bàn với mục đích giúp bà con nhân dân làm quen với sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, để nhân rộng ra các làng Krông, Klả, Náp, Khôi thì cần có những “người lính làng” như Rơ Ô Thuy.
Vậy là, cùng với đội công tác địa bàn, Thượng úy Rơ Ô Thuy miệng nói tay làm, ngày đêm đến tận từng gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn. Dấu chân của “người lính làng” cứ thế trải dài từ một mùa lúa rồi 4, 5 năm đi qua và cuối cùng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Từ mô hình trình diễn của đồn Biên phòng, hơn 400ha lúa nước của 415 hộ dân ở 2 làng Klả và Krông đã “đơm hoa kết trái”, mang về những vụ mùa bội thu. Nhiều gia đình mỗi năm thu hoạch được hàng chục tấn lúa, không chỉ giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ, mà còn mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên đất rừng biên giới Ia Mơ.
Bước chân của “người lính làng” Rơ Ô Thuy lặng lẽ in dấu từ đồng ruộng đến trang trại chăn nuôi và cả những căn hộ neo đơn, những mảnh đời bất hạnh. Bà Rơ Mah Krét, ở làng Krông, là hộ gia đình khó khăn được Đồn Biên phòng Ia Mơ nhận đỡ đầu trong chương trình thoát nghèo bền vững. Để giúp người phụ nữ này đi đúng lộ trình đã đề ra, Đội trưởng VĐQC Rơ Ô Thuy trực tiếp đồng hành từ việc làm chuồng trại chăn nuôi đến cải tạo vườn tạp, kiến thiết lại 0,5ha đất trồng điều...
Kinh tế gia đình bà Rơ Mah Krét ngày càng được cải thiện, bò giống hỗ trợ sinh sản tốt, vườn điều chuẩn bị bước vào thu hoạch hứa hẹn một cuộc sống ổn định và phát triển hơn. “Bật mí” về bí quyết mang lại thành công trong công việc, “người lính làng” Rơ Ô Thuy chỉ cười thật hiền: “Mình cứ chịu khó, tận tình với công việc là kết quả ắt sẽ đến...”.
Đó là chân lý sống bình dị như chính con người của anh vậy. Tại Hội nghị điển hình dân vận khéo toàn quân tổ chức năm 2018, ở Hà Nội, Thượng úy Rơ Ô Thuy là cá nhân duy nhất của BĐBP Gia Lai được lựa chọn tham dự. Với anh, chuyến đi đó là cơ hội được học hỏi, được trao dồi kiến thức, kinh nghiệm để bước tiếp những dấu chân thầm lặng, mang đến niềm vui cho thôn làng biên giới.
Thái Kim Nga