Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới

Biên phòng - Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề và hết sức thiêng liêng. Để làm được điều này, việc xây dựng, phát triển đời sống mọi mặt ở khu vực biên giới đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, góp phần cùng các lực lượng và chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, từng bước chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân trên biên giới, biển, đảo... 

Bài 1: Xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới

Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy, muốn quản lý, bảo vệ được biên giới quốc gia, phải củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh về mọi mặt và không ngừng nâng cao đời sống, nhận thức cho nhân dân. Là những người luôn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” với nhân dân trên mọi miền biên cương của Tổ quốc, BĐBP luôn chú trọng đến việc xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau trao đổi với thanh niên địa phương về Luật Biên giới quốc gia trên đường tuần tra. Ảnh: Đăng Bảy

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh

Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000km, trải dài theo địa giới hành chính 103 huyện, thị xã, thành phố thuộc 25 tỉnh. Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những năm trước kia, ở các xã biên giới, hệ thống chính trị cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và trình độ của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao trách nhiệm, sự thương yêu, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các tỉnh, thành Biên phòng trên cả nước thường xuyên “bám dân, bám thôn, buôn, bản, bám chính quyền” để tích cực tham gia xây “cột mốc lòng dân” ở khu vực biên giới ngày càng vững chắc. Một trong những giải pháp được BĐBP chú trọng là tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Theo đó, ở những nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở còn yếu kém, BĐBP đã cử cán bộ tăng cường về các xã, tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn biên giới và phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới. Tính đến nay, đã có 332 đồng chí tăng cường cho các xã; có 9.661 đảng viên các đồn Biên phòng được phân công phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Trong đó, 259 đồng chí tham gia Ban Chấp hành đảng bộ xã hoặc giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy xã như: Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy xã.

Chủ trương này của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã mang lại kết quả quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng địa bàn biên phòng, khu vực biên giới vững mạnh... Với tinh thần trách nhiệm cao, biện pháp tham mưu, tổ chức thực hiện “đúng và trúng”, đến nay, đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường xã đã phối hợp giúp các xã biên giới xóa 705 thôn, bản trắng đảng viên, góp phần củng cố 1.190 tổ chức Đảng, 129 HĐND, 51 UBND... Thông qua việc sinh hoạt Đảng tạm thời, các đảng viên là cán bộ đồn Biên phòng đã giúp các chi bộ thôn, bản phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho 28.422 quần chúng ưu tú (trong đó có 8.694 đảng viên là người dân tộc thiểu số). Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở.

Nâng cao đời sống nhân dân khu vực trên biên giới

Để xây “cột mốc lòng dân” vững chắc, bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, BĐBP đã khéo léo lồng ghép để chuyển tải các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho người dân thấy được âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức quốc gia, quốc giới, để mỗi người dân nêu cao hơn trách nhiệm tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

Những năm gần đây, BĐBP còn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Nhờ bám, nắm địa bàn, gần gũi với cấp ủy, chính quyền, sâu sát với nhân dân, biết phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tôn giáo nên BĐBP đã phát huy được những giá trị đạo đức, ý thức của toàn dân trong bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Đến nay, cả nước có 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, hàng chục ngàn người dân đăng ký tự quản gần 3.500km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới...

Với phương châm “lo cho dân trước”, từ chỗ thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào, bằng lương tâm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính quân hàm xanh đã có nhiều mô hình hay, cách làm đa dạng để giúp nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên... Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Không chỉ đơn thuần là bày binh bố trận, mà sâu xa hơn, việc xây dựng “cột mốc lòng dân” còn mang yếu tố chính trị, tinh thần, là việc tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Đó là cơ sở, là nền móng vững chắc để xây dựng nền “Biên phòng toàn dân”, đúng theo lời dạy của Bác: gốc có vững, cây mới bền...

Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em tới trường”... đã từng bước giúp nhân dân trên biên giới nâng cao dân trí, phát triển dân sinh. Trong thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới đã góp phần đưa 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế, xã hội. Và đến thời điểm hiện tại, đã có gần 100 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, hằng năm, BĐBP nhận đỡ đầu hàng nghìn lượt cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhận nuôi 355 cháu theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”...

Với tất cả tình cảm, trách nhiệm, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận được sự tin cậy, yêu mến của đồng bào các dân tộc trên biên giới...

Kỳ 2: Dựng phên dậu nơi đầu sóng, ngọn gió

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO