Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 10:15 GMT+7

Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới (bài 3)

Biên phòng - Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề và hết sức thiêng liêng. Để làm được điều này, việc xây dựng, phát triển đời sống mọi mặt ở khu vực biên giới đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, góp phần cùng các lực lượng và chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, từng bước chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân trên biên giới, biển, đảo...

Bài 1: Xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới

Bài 2: Dựng “phên dậu” nơi đầu sóng, ngọn gió

Bài 3: “Lá chắn thép” trên biên giới, biển đảo

Cùng với việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, mua bán, vận chuyển ma túy và mua bán người, BĐBP luôn tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ an ninh trật tự trên vùng biển, đảo, gần đây nhất là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật bị thu giữ trong Chuyên án A720p do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an, triệt phá ngày 19-7-2020.

Trấn áp tội phạm trên biên giới

Trên biên giới đất liền, thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP đã tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm, tuy nhiên hoạt động buôn lậu qua biên giới, tội phạm liên quan tới mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người vẫn diễn biến phức tạp...

Khu vực biên giới rộng, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch, trong khi lực lượng chức năng mỏng nên việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở biên giới gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, dù biên giới cơ bản đã được các lực lượng chức năng tích cực tuần tra, kiểm soát và “khóa chặt”, nhưng do lợi nhuận cao, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia vẫn tìm mọi phương cách để hoạt động và còn có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới. Đặc biệt, số lượng ma túy được vận chuyển, mua bán tăng lên chóng mặt. Nhiều vụ bị triệt phá, tang vật thu giữ lên tới hàng trăm ki lô gam ma túy, hàng trăm bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy. Không chỉ trong nước, nhiều đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy còn “vươn” ra tầm quốc tế...

Để đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy và mua bán người nói riêng, với phương châm phòng ngừa là chính, BĐBP các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước làm trong sạch địa bàn, hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Với tinh thần không quản ngại vất vả, hy sinh, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, BĐBP đã bắt hàng trăm vụ án về ma túy các loại, xử lý nhiều đối tượng, mang lại cuộc sống bình yên nơi biên giới.

Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, BĐBP đã xác lập, đấu tranh thành công gần 700 chuyên án; bắt giữ, xử lý gần 54.000 vụ/90.000 đối tượng liên quan đến buôn lậu và tội phạm ma túy. Tang vật thu giữ gồm: Gần 17 tấn ma túy các loại; 5.748.423 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 18.031 tấn đường; trên 47 triệu lít xăng, dầu; 5,8 tấn thuốc nổ; 251 súng; 13.032 viên đạn; tổng giá trị hàng hóa thu giữ, xử lý gần 2.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là BĐBP đã giải cứu 669 nạn nhân thoát khỏi các đường dây mua bán người... Điển hình, thời gian gần đây, tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, chỉ từ ngày 4 đến ngày 7-9-2020, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì đấu tranh thành công 3 chuyên án, 3 vụ án, bắt giữ 19 đối tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua khu vực biên giới. Tang vật thu giữ gồm: 31 bánh heroin, 70kg ma túy tổng hợp, 10.000 viên ma túy tổng hợp, 2 súng quân dụng, 12 viên đạn và nhiều tang vật khác.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đêm 18-7-2020, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hàn Quốc. Lực lượng phối hợp đã khám xét 16 địa điểm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, bắt giữ 27 đối tượng, thu giữ gần 170kg ma túy các loại. Đây là đường dây hoạt động quy mô lớn, thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp dưới hình thức cất giấu ma túy trong các kiện đá granite đóng vào container xuất đi Hàn Quốc, do một cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu.

Linh hoạt trong vận động ngư dân gỡ "thẻ vàng"

Cùng với việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển dân sinh, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, BĐBP tuyến biên giới biển còn tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiêu biểu gần đây là quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU)...

Kể từ khi EC áp dụng biện pháp cảnh báo "thẻ vàng" vào tháng 10-2017, Chính phủ và các cơ quan chức năng nước ta đã rất nỗ lực trong triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Theo đánh giá của EC, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường giám sát, xử lý vi phạm. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng có nhiều tiến bộ, mức độ sai sót trong các lô hàng xuất khẩu sang EC giảm đáng kể. Thế nhưng một số ngư dân ta, vì lợi ích trước mắt, vì nhận thức hạn chế nên vẫn cố tình vi phạm như: Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì chống trả quyết liệt nhằm trốn thoát, hoặc thiếu trung thực khi khai báo... Vẫn còn một số chủ tàu, thuyền trưởng tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá thực hiện chưa nghiêm việc ghi, nộp sổ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải. Một số chủ tàu lấy lý do bận công việc không trực tiếp tham gia các lớp tập huấn mà cử đại diện là người nhà, những người không trực tiếp sản xuất, không am hiểu về nghề cá khiến ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyên truyền cũng như thực thi pháp luật của ngư dân.

Trước thực trạng trên, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã cùng với các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư... tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi IUU. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển đã phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền được trên 200 buổi cho gần 45.000 lượt người nghe, phát tờ rơi cho 7.000 lượt tàu cá đang hoạt động trên biển. Cùng với đó, BĐBP luôn phát huy là vai trò “cầu nối” để góp phần cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển.

Ngoài ra, BĐBP còn phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào, hoạt động trên biển. Kiên quyết không cho ra khơi đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát, không đủ giấy tờ, trang bị theo quy định. Qua đó, đã phát hiện và tham mưu cho địa phương xử lý 232 vụ/352 đối tượng vi phạm IUU. Trong đó, tước giấy phép khai thác 17 tàu, 2 bằng thuyền trưởng; tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ một thuyền trưởng vì hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình; tịch thu 38 bộ kích điện, trên 374kg thuốc nổ, 3.287 kíp nổ...

Nhờ sự hỗ trợ tích cực, quyết liệt của BĐBP và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, của chính quyền địa phương, công tác khắc phục “thẻ vàng” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 9-2020, trên cả nước, đã có gần 21.000/27.856 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và hơn 2.400/2.618 tàu có chiều dài từ 24m trở lên được gắn thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt, số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh.

Không chỉ nỗ lực trong việc gỡ “thẻ vàng”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, BĐBP đã giúp cho hàng trăm nghìn ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Và chính những con tàu, những ngư dân đó đã tạo nên diện mạo “phên dậu” nơi biển, đảo của Tổ quốc...

Bài 4: Tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO