Biên phòng - Khao khát, mong chờ và vỡ òa trong niềm hạnh phúc là tâm trạng của các sinh viên khóa III, Đại học Biên phòng khi nghe tin hội khóa. Những bộ quân phục và vô số kỷ vật được cất cẩn thận trong tủ của những người lính đang tại ngũ, hay những đồng chí vì điều kiện công tác đã chuyển ngành lại được các anh lấy ra ngắm nghía và thả hồn về ngày xưa, cái ngày đầu tựu trường trong mùa thu lịch sử năm 1979, khi biên cương vẫn đậm mùi thuốc súng…

Ngày ấy, gần 300 chàng thanh niên tốt nghiệp cấp ba mang theo ước mơ trở thành người sĩ quan Công an nhân dân vũ trang với quân hàm xanh màu lá, trong đó có anh, chàng trai trẻ với khát vọng “...muốn giành sức trẻ tuổi đôi mươi/ Và thêm nụ cười tỏa nắng/ Theo bước chân hành quân về muôn chặng/ Dù khó khăn cũng chẳng thể xao lòng” đã náo nức tựu trường và được tham dự một lễ khai giảng trọng thể không thể nào quên trong cuộc đời sinh viên, cũng là cuộc đời quân ngũ.
Thế nhưng, khi ước mơ đã thành hiện thực thì cuộc sống của sinh viên trong nhà trường quân đội với “kỷ luật sắt” chẳng hề dễ dàng với những học trò vừa rời ghế nhà trường, quen sống “tự do” trong sự bao bọc của gia đình. Đặc biệt, điều kiện nhà trường lúc ấy còn khó khăn chồng chất, sinh viên phải ở trong những căn nhà tranh, vách nứa, giáo trình tài liệu thiếu, phương tiện giảng dạy thô sơ; cuộc sống hàng ngày từ cơm ăn, nước uống đến sinh hoạt còn vô vàn vất vả, trong điều kiện khắc nghiệt của mảnh đất Sơn Tây đầy nắng gió.
Tuy nhiên, từ buổi đầu bỡ ngỡ ấy, được sự quan tâm động viên của các thủ trưởng, các thầy cô giáo, anh và những sinh viên khóa III đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, xác định tốt động cơ, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện và xây dựng nhà trường. Nhưng khi vừa mới quen trường, quen bạn, những sinh viên khóa III các anh lại được nhà trường quán triệt “Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, chuyển lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng”.
Cảm xúc khi nhận được thông tin của anh và các sinh viên khóa III thật khó diễn tả, chơi vơi và hụt hẫng. Nhiều bạn học viên đã bật khóc và “nổi loạn”, bỏ không lên giảng đường, thậm chí là xin thôi học. Nhưng với anh và đại đa số các bạn lại coi đây là sự thử thách bản lĩnh và ý chí của người lính, dù ở đâu thì vẫn phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nên vẫn hăng say học tập và rèn luyện. Chính ý chí và nghị lực ấy đã tôi luyện các anh, giúp các anh trưởng thành, để rồi cái tên khóa III, Đại học Biên phòng, với 100% sinh viên là học sinh phổ thông thi đỗ vào trường, đã được định danh trong nhà trường, trong lòng các thầy cô giáo và sinh viên các khóa, sau khi trở thành khóa có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và anh cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu đó.

Ngày tốt nghiệp, hành trang các anh mang theo đến mọi miền biên cương Tổ quốc là sự nỗ lực vượt khó trong học tập, rèn luyện của bản thân; là hình ảnh các thầy say sưa giảng bài, hay sự ân cần, động viên thăm hỏi sinh viên của Ban giám hiệu nhà trường; là tấm gương của những cán bộ tiểu đoàn, đại đội hết lòng vì sinh viên.
Và sau 35 năm rời xa mái trường thân yêu, khóa III các anh với 150 đồng chí tốt nghiệp đã đem sức trẻ, góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, làm thay đổi cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Trong chặng đường 35 năm ấy, các anh đã phấn đấu và trưởng thành, giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của BĐBP, trong đó có anh.
Và giờ đây, sau 40 năm ngày hội khóa, cảm xúc của anh và mọi người vẫn vẹn nguyên như buổi đầu tựu trường trong mùa thu năm ấy. Những mái đầu xanh, sự trẻ trung của những cậu học trò cấp ba năm nào đã thay bằng sự chững chạc, phong trần của nắng gió biên thùy, với mái tóc “điểm màu tuyết sương”, vẫn “mày, tao” như thủa nào, các anh lại hội tụ bên nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời “nhất quỷ, nhì ma” và cùng nhau tiếp tục viết nên những trang sử mới cho khóa III trên chặng đường mới.
Hoa Hạ