Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 8 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu (NK) ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5%.

Kim ngạch XK tháng 8 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 7- 2020; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 7,8%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD (tăng 1,0%), thủy sản đạt 800 triệu USD (tăng 0,5%) và chăn nuôi đạt 31 triệu USD (giảm 18,4%),…
Mặc dù kim ngạch XK tháng 8 tăng hơn so với tháng 7 năm 2020 nhưng tính chung trong 8 tháng thì kim ngạch xuất khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 26,15 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25,0%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%. Điểm sáng trong xuất khẩu 8 tháng vừa qua là ngành hàng lâm sản, trong đó các mặt hàng lâm sản chính đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%.
Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới của cả nước ước đạt 133,1 nghìn ha, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 10.490,0 nghìn m3, tăng 1,6%.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường NK các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt trên 6,3 tỉ USD, chiếm hơn 24%.
Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng, kim ngạch NK các mặt hàng NLTS ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 16 tỷ USD, giảm 5,2%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 9 sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó; theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và người dân chủ động trong điều chỉnh sản xuất kinh doanh.
Bích Nguyên