Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 10:27 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản: Những tín hiệu đáng mừng giữa đại dịch

Biên phòng - Đại dịch Covid-19 không chỉ “xô ngã” ngành du lịch, hàng không, mà ngư dân đánh cá trên biển cũng có nhiều thời điểm bị “vạ lây”. Trong thời gian qua, các ngư dân miền Trung vừa phải neo bờ vì bão tố liên miên, đồng thời, cũng phải đối mặt với những thời điểm giá thu mua sản lượng tụt giảm. Bước sang năm 2021, xuất khẩu thủy sản khởi sắc, là những tín hiệu tích cực khả quan cho ngư dân giữa những khó khăn chồng chất trước đó.

Ngư dân đánh bắt lưới vây trên biển. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Lê Hồng Lưu, thuyền trưởng của một tàu đánh bắt xa bờ tại bờ bắc sông Gianh chia sẻ, trong năm 2020, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn, đó là bão liên miên, nên tàu cứ định nhổ neo rồi lại nằm bến. Bên cạnh đó là đại dịch Covid-19 nên nhiều thời điểm giá cá, mực, tôm tụt giảm chỉ còn một nửa so với trước đây. Ở địa phương này, thuyền trưởng Lưu là một trong những ngư dân đánh bắt thành công, nhưng ngư dân này đang kêu khó thì cũng có nghĩa là bài toán mưu sinh của ngư dân xa bờ gặp phải khá nhiều trở ngại.

Những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, nếu đi dọc bờ sông Nhật Lệ thì sẽ chứng kiến những chiếc tàu, phần lớn làm nghề lưới cua đang rơi vào cảnh ngủ đông. Các ngư dân đều ngao ngán nhắc chuyện đầu ra không có người mua, không xuất khẩu được. Cũng thời điểm trên, tại khu vực bờ Bắc cảng Gianh, bà con ngư dân cũng neo tàu. Giá cá thóc ngày thường là 90.000 đồng/kg, trong mùa dịch chỉ còn 40.000 đồng/kg. Nhiều loại cá khác cũng rớt giá chỉ còn một nửa.

Vào thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng, tuy nhiên, xuất khẩu thì lại giảm sâu. Cụ thể, trong tháng 2-2020, xuất khẩu đạt 440 triệu USD. Lũy kế hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản ước đạt 932 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Anh Lưu cho biết, thời điểm đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, cá nục rớt từ 17.000 đồng/kg xuống chỉ còn 7000 đồng/kg. Các ngư dân nhẩm tính tiền cho bạn mượn, tiền chi phí chuyến biển, nếu “đánh bắt yếu” thì coi chừng lỗ vốn.

Mặt khác, vấn đề thiếu “bạn” đi biển vẫn là cơn đau đầu của nhiều chủ tàu ở khu vực sông Giang trong thời gian vừa qua. Bài toán khó này được các chủ tàu giải bằng cách đi các địa phương khác tuyển ngư dân.

Thuyền trưởng Lê Hồng Lưu cho biết, nghề lưới vây rút thì cần rất nhiều ngư dân đi bạn, riêng tàu anh mỗi lần mở biển thì phải có đủ 20 ngư dân, có hôm hụt người thì 17 ngư dân. Nếu ngư dân theo tàu đi biển, anh phải mời và cố gắng giữ “nhân sự” bằng cách ứng trước 5 triệu đồng/người. Trước mỗi phiên biển, chỉ riêng tiền ứng trước đã khoảng 100 triệu đồng.

Mặt khác, bên cạnh việc lo chạy kiếm bạn chài, thuyền trưởng còn phải lo giữ “uy tín tàu” để những chuyến biển sau, chỉ cần nhấc điện thoại thì bạn sẽ nhận lời. Uy tín tàu là việc chủ tàu phải lèo lái con tàu như thế nào đó để ra khơi, trở về, trừ mọi phí tổn thì còn tiền để chia cho anh em. Các ngư dân không cần hỏi “ông thuyền trưởng đó ra sao? Đi tàu thường ăn món gì?”, mà chỉ hỏi mỗi câu nhát gừng: “Đi tàu đó thì mỗi trăng (1 phiên biển) được chia phần bạn là bao nhiêu?”.

Đầu năm 2021, không khí ra quân đánh bắt nô nức ở các làng chài. Ngư dân làm nghề câu mực ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi thì xuất bến sớm để ra Hoàng Sa, Trường Sa, vì phiên biển kéo dài tận 2 tháng mới quay về bờ. Còn ngư dân ở cửa biển cảng Gianh cũng tranh thủ đi khơi. Các ngư dân chia sẻ, có tàu hăng hái mở biển sớm là do thuyền trưởng kêu gọi bạn chài tranh thủ luồng cá, nhưng cũng có khi là những ngư dân đang vay nợ ngân hàng, nên ngư dân phải làm việc để rút ngắn thời gian hoàn vốn vay.

Tại bờ Bắc của cảng Gianh, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, không khí đầu năm ra khơi nhộn nhịp. Những chiếc tàu nhỏ ở địa phương thu về cá cơm, còn các tàu lớn thì đánh bắt các loại cá nục, cá ngừ, cá cờ.

Các ngư dân cho biết, những năm trước đây, tàu ra khơi và trở về với những hầm cá đầy, trọng lượng lên đến hàng chục tấn là bình thường. Nhưng ở làng biển này cũng giống như rất nhiều cửa biển khác ở miền Trung, đó là, mỗi chuyến đi khơi và trở về, mỗi chiếc tàu chỉ đánh bắt được chừng 3-4 tấn cá. Nhờ giá cá được thu mua tăng cao so với những năm trước đây, vì vậy, dù sản lượng thấp, nhưng thu nhập của bà con ngư dân vẫn ổn định.

Đến đầu năm 2021, tình hình thị trường xuất khẩu thủy sản trong nước đã bắt đầu ấm lên và giá thủy sản đã tăng trở lại. Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi tăng 23,4%; trong tháng 1 năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt 606 triệu USD. Thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu là Mỹ, Brasil, Australia, Mexico, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Tính lũy kế xuất khẩu thủy sản đến hết tháng 2-2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2%. Dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt 8,8 tỷ USD.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO