Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ

Biên phòng - Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, 22% trong quý I-2021. Nước ta tiếp tục xuất siêu 2,03 tỷ USD  trong 3 tháng đầu năm, qua đó, hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được duy trì ở các cửa khẩu đất liền. Ảnh: Bích Nguyên

Duy trì đà tăng trưởng cao

Năm 2020, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các nền kinh tế lớn đều phải đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong bối cảnh đó, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đã đứng vững dù chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu bị đứt gẫy, giữ được đà tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng cho cả nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng với tổng kim ngạch XK hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020, nước ta xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Kết quả, năm 2020 đã tạo động lực cho hoạt động XNK năm 2021. 3 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động XNK với tổng kim ngạch đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, XK đạt 63,39 tỷ USD, tăng 7,8%. Tính chung trong quý 1, Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng của XK đạt 22%. Theo Bộ Công thương, mức tăng trưởng này là tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, kim ngạch XK của Singapore chỉ tăng 1,1%, Indonesia tăng 8,56%, Hàn Quốc tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9%, Thái Lan giảm 1,16%...

Trong quý I, có 11 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch XK. Nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch XK cao, đạt tốc độ tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước, như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 77,2%; sắt thép tăng 65,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,5%. Cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, XK nông lâm thủy sản, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Kỳ vọng bứt phá

Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, hoạt động XNK được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực... Các hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Thực tế, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã tạo cú hích để XK vào các thị trường lớn và quan trọng bứt tốc. Theo thông tin từ Bộ Công thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8-2020, tốc độ tăng trưởng XK sang châu Âu đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Tương tự, kim ngạch XK của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%...

Sau khi Hiệp định UKVFTA được ký kết, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay. Rõ ràng, việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy XK của Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, XK vào các thị trường lớn khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao như thị trường Hoa Kỳ đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%.

Bốc xếp hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Bích Nguyên

Bên cạnh những dự báo thuận lợi, XK hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình XK hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và XK của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường XK nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho XK nhóm hàng này của Việt Nam.

Để hoạt động XK thực sự bền vững, chúng ta cần chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới. Bộ Công thương cho rằng, cần ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch; theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy XK.

Cùng với đó, cần củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường XK, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm XK, phát triển thương hiệu.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO