Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó khăn trong những tháng cuối năm

Biên phòng - 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là sự nỗ lực, của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn để cán đích 44 tỉ USD trong năm 2021. Ảnh: Cao Trần

Sáng nay (13-9), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Cùng với đó, chi phí lãi suất, chi phí vận tải, mức thu các loại phí cảng còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đã bắt đầu diễn ra, các nhà máy chế biến thiếu lao động, chi phí phát sinh cao khi thực hiện “3 tại chỗ”, công suất chế biến chỉ đạt trung bình 30-40%, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch.

Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, tuy nhiên nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, sứa ướp muối, tôm sú, tôm thẻ ướp đá) để tận dụng các ưu đãi này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới”, về lâu dài chưa phù hợp trước sự thay đổi quyết liệt của Trung Quốc.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao, để phát triển xuất khẩu bền vững, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Một khó khăn nữa là hiện nay, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu với Trung Quốc chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời chủ yếu bằng thủ công là chính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; cửa khẩu quốc tế đường sắt không phát huy được lợi thế do khác biệt về khổ đường ray.

Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đảm bảo chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ NN& PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vacine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, có chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản liên kết với các hợp tác xã tập trung, các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp đổi mới công tác thông tin, đa đạng hóa công tác xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử đối với thị trưởng xuất khẩu trọng điểm (Hoa Kỳ, EU, Asean, Đông Bắc Á). Xử lý có hiệu quả tình trạng thiếu container rỗng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường trên và nhập khẩu nguyên liệu về để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Chỉ đạo các địa phương có vùng trồng trọng điểm phối hợp với các tỉnh biên giới với Trung Quốc điều tiết hợp lý lượng hàng hóa khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu nhằm tránh ùn ứ, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa đặc biệt là nhóm trái cây mùa vụ.

Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối của Trung Quốc thông qua hình thức trực tuyến, từ xa trong bối cảnh điều kiện dịch Covid-19.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO