Biên phòng - Trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, thị trường xuất khẩu lao động gần như đóng băng. Tuy nhiên, từ đầu năm trở lại đây, thị trường này đang từng bước hồi phục sau khi hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ đều đã thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế, tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Các thị trường lao động lớn, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... được khai thác triệt để với nhiều ngành nghề trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe... Ngoài ra, những thị trường lao động mới như Đức, Nga, Isarel, Australia còn rất nhiều tiềm năng về thu nhập, môi trường làm việc cho người lao động.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu lao động tăng chính là thời cơ thuận lợi để chúng ta tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các nước và mục tiêu đưa hơn 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam chủ yếu là cho đối tượng lao động phổ thông, còn đối với lao động chất lượng cao thì rất hạn hẹp về ngành nghề lẫn số lượng. Các nước ngày càng khắt khe hơn trong việc yêu cầu và tuyển chọn lao động tay nghề, chất lượng cao, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.
Có một thực tế là lao động trình độ cao hiện lại yếu ngoại ngữ, thiếu những kỹ năng để làm việc độc lập và nâng cao năng suất. Người lao động muốn ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe còn phải trang bị cho mình chuyên môn nghề nghiệp vững chắc và kỹ năng mềm để thuận lợi cho giao tiếp và công việc. Điều này dẫn đến việc dù nguồn cử nhân trong nước nhiều nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường ngoài nước.
Dự báo, nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới rất lớn, điều quan trọng với Việt Nam là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho lao động Việt Nam, giữ vị thế của lao động nước mình trong mắt các nhà tuyển dụng. Việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc để dần hình thành một lực lượng lao động Việt Nam có tay nghề và tác phong chuẩn mực tại nhiều thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng tốt của những thị trường khó tính, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phải đầu tư, trang bị kiến thức nhiều hơn cho người lao động đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài và tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn lao động.
Bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề và trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa, con người nước sở tại đến lao động; đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động, tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.
Có thể nói, xuất khẩu lao động là một giải pháp tích cực trong mục tiêu quốc gia về vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Do vậy, ngành lao động cần khảo sát đánh giá cụ thể nhu cầu và ngành nghề của thị trường lao động thế giới, để có định hướng sát thực tế, cũng như khai thác mở rộng thêm thị trường xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn cho người lao động trong các chính sách tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động.
Hoàng Lâm