Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 06:24 GMT+7

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Biên phòng - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngành gỗ sau dịch Covid-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 15-5.

Dự tính năm nay, ngành gỗ và lâm sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 11,75 tỷ USD. Ảnh: Thu Quyết

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tháng 4 năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 734,2 triệu USD giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Luỹ kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 5 thị trường xuất khẩu chính đạt 3,161,5 tỷ USD, chiếm 90,3% giá trị xuất khẩu.

Trong tháng 4, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động tại một số quốc gia là thị trường chính của ngành gỗ là Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, Australia, Canada hạn chế, hoặc ngừng nhập hàng hóa… nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3-2020.

Theo kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 doanh nghiệp cho thấy, trong tháng 4-2020, 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất 1 phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Tổng cục Lâm nghiệp và các Hiệp hội dự báo giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2019, giảm 6,6% so với mục tiêu tăng trưởng đầu năm đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành gỗ mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất ngành hàng nông lâm, thủy sản với kim ngạch hơn 11 tỷ USD trong năm 2019. Hiện có 4.600 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến gỗ, ngành gỗ giải quyết nửa triệu lao động trực tiếp ở khu vực chế biến gỗ, vài triệu người có sinh kế từ rừng.

“Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, trở thành nước thứ 2 ở Đông Nam Á ký được Hiệp định thư, Nghị định thư với Liên minh châu Âu - đối tác tự nguyện thực thi lâm luật và thương mại gỗ. Đây là một bước tiến vượt trội về thể chế” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành hàng gỗ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, ngành gỗ cần phải khắc phục được những bất cập, khó khăn hiện tại do dịch Covid-19, tiếp tục thúc đẩy ngành hàng phát triển. Cần có các giải pháp trước mắt, trung hạn và lâu dài, cả về hành chính, thể chế và sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường trong nước, bởi đây đang là một thị trường đầy tiềm năng phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ trong trang trí nội thất rất lớn tại các dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, thay đổi thiết kế, kết hợp nhiều loại nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế. Triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại tại các Hội chợ trong nước và quốc tế; đổi mới phương thức giao dịch, bán hàng. Đồng thời, chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Cần chủ động, đổi mới phương thức giao dịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng, trong đó tập trung sử dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến… đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO