Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 01:59 GMT+7

Xuất khẩu chính ngạch để xóa ùn tắc nông sản ở cửa khẩu

Biên phòng - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu tiếp tục tái diễn. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các bộ, ngành khác đã họp bàn nhiều lần để tháo gỡ. Giải pháp căn cơ nhất là nhanh chóng chuyển từ xuất khẩu (XK) tiểu ngạch sang chính ngạch và mở rộng thị trường XK, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không thể làm tức thì mà cần phải có lộ trình.

Xe chở hàng hóa chờ XK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Vi Toàn

Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2021 đạt 12,6 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ 2 trong số các thị trường XK của Việt Nam, sau Mỹ với kim ngạch đạt hơn 1,3 tỉ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động XK nông sản sang Trung Quốc gặp không ít rủi ro do XK chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch.

Tình trạng ùn tắc hàng hóa XK sang Trung Quốc tại các cửa khẩu tái diễn nhiều lần, trong đó, dịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ùn ứ kéo dài với số lượng lên tới hơn 5.500 xe hàng. Tính đến ngày 11-3, tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai vẫn còn gần 2.900 xe hàng hóa chờ XK sang Trung Quốc. Trong khi đó, một số cửa khẩu vẫn đang tạm dừng hoạt động thông quan do phía Trung Quốc phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19.

Theo Bộ Công thương, Trung Quốc duy trì chế độ ưu đãi cho hình thức trao đổi cư dân qua các cặp chợ biên giới nên từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung, hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn qua các cặp chợ. Hàng hóa trao đổi theo hình thức này chủ yếu xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên.

Do chỉ là hàng hóa “trao đổi cư dân”, không phải là hàng hóa XK theo hợp đồng với quy cách và điều kiện giao hàng rõ ràng nên việc quản lý cũng không theo thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, hàng hóa thì lúc cho đi ban ngày, lúc cho đi ban đêm tùy thuộc vào hoàn cảnh của chợ dẫn đến bị động và rủi ro cho các thương nhân Việt Nam XK theo hình thức này, nhất là với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây tươi. Trong bối cảnh cả hai bên cùng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bất cập của hình thức “trao đổi cư dân” còn thể hiện rõ hơn nữa. Tình trạng tồn đọng, ùn ứ cục bộ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu biên giới thường xuyên xảy ra ở cả hai bên biên giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nguyên nhân của việc ùn ứ hàng nông sản ở các cửa khẩu chính là do tư duy sản xuất nông nghiệp mới chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng, mà chưa có tư duy kinh tế, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường; “mù mờ” đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu... Do đó, cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro...

Thực tế, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” mà đã thay đổi với những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích XK tiểu ngạch. Khi thị trường này thay đổi thì doanh nghiệp trở tay không kịp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để giải quyết được tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu, cần có lộ trình và hành động rõ ràng nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp XK để chuyển từ XK tiểu ngạch, đường mòn, lối mở sang chính ngạch.

Để XK chính ngạch cần phải tổ chức lại sản xuất đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc... chứ không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài để giải quyết. Các bộ, ngành cần hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường, với khách hàng, nếu để cho doanh nghiệp tự vận động sẽ rất khó.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó phải cần thời gian. Gần đây, khi Trung Quốc áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp gặp khó. Do đó, chính sách không đơn thuần là buôn bán qua cửa khẩu chính, phụ mà phải bắt đầu từ việc phát triển sản phẩm XK phù hợp với tiêu chuẩn, quy định thị trường; tổ chức XK nhanh hơn và hiệu quả hơn từ việc kiểm dịch động thực vật, triển khai thủ tục và vận tải hàng hóa. Cần lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn, phân loại, đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, phải tổ chức lại ngành hàng, từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành trung tâm kết nối nông sản XK do tỉnh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm dịch một lần bên này rồi có thể cho xe đi sâu vào nội địa bên kia tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container với nhiều rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một “vùng xanh” để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Bộ NN&PTNT cũng đã trình Thủ tướng chủ trương hình thành trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ và sắp tới là một trung tâm ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng nông sản XK chiếm tỉ trọng cao của cả nước và có nhiều đơn hàng XK sang Trung Quốc.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO