Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Xuân về trên bản Lự

Biên phòng - Con đường dẫn chúng tôi từ thành phố Lai Châu đến xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) khoảng 30km được ví như dải lụa màu vắt qua đỉnh Pu Sam Cáp huyền thoại với những cánh rừng nguyên sinh, nhiều loài gỗ quý. Những cành mận, cành đào đang đua nhau nở hoa và đâm chồi nảy lộc, dưới màn sương se lạnh của tiết trời Tây Bắc. Đó là những dấu hiệu đầu tiên về một mùa xuân no ấm đang gõ cửa từng nếp nhà sàn của người Lự ở xã Nậm Tăm hôm nay.

y3cd_17b
Đường vào bản Nậm Ngập luôn phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Nhật Minh

Dưới làn sương trắng bảng lảng bay qua, những nếp nhà sàn thưng gỗ, gầm sàn được lát gạch hoa sạch bóng để làm nơi tiếp khách, bên bếp lửa hồng, những người phụ nữ đang miệt mài nấu những nồi rượu ngô, rượu gạo theo đúng truyền thống của dân tộc để đãi khách vào những ngày Tết.

Đưa cho tôi ly nước lá rừng đang tỏa hương thơm ngát rồi anh Tao Văn Ún, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm chia sẻ: “Để xây dựng, phát triển văn hóa người Lự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và từng bản người Lự chúng tôi có nhiều cách làm khác nhau để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trước nguy cơ thất truyền, trong đó, Đảng bộ xã Nậm Tăm đã cụ thể hóa qua nghị quyết của các nhiệm kỳ đại hội; HĐND, UBND xã xây dựng và cụ thể hóa từng chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; các tổ chức đoàn thể ở các bản, ngoài việc triển khai hiệu quả các phong trào do cấp trên phát động, còn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, lưu giữ những bài hát, điệu múa, bài sáo hay việc thêu, dệt và may trang phục truyền thống gắn với hoạt động của các đội văn nghệ bản”.

Đến thăm các bản Nậm Ngập, Nà Tăm và Pậu, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn không chỉ những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Lự trong nếp sống, sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất vẫn được bảo tồn và gắn kết chặt chẽ với chương trình di dân tái định cư, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mà còn được gắn chặt với nếp sống mới văn minh, lành mạnh, không tệ nạn xã hội, không sinh con thứ ba. Hệ thống đường giao thông liên bản trên địa bàn xã đã 100% được bê tông hóa; nhiều bản còn trồng hoa, cây cảnh để những ai đã một lần đến thì sẽ không quên hẹn ngày trở lại.

Trong tiếng nhạc du dương của tiếng sáo mẹ, sáo con và những điệu múa khăn “Sè phả chẹt”, múa quạt “Sè sát váng” hay múa tròn “Sè sum” của Đội văn nghệ bản đang luyện tập chuẩn bị cho các hoạt động đón Xuân Mậu Tuất 2018 của bản cũng như giao lưu với các xã, bản khác, ông Tao Văn Sòn, Trưởng bản Pậu chia sẻ: “Bản chúng tôi 8 năm liền được công nhận danh hiệu Bản văn hóa, 79% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Đám tang chúng tôi chỉ để qua một đêm là đưa đi chôn cất theo đúng quy định. Khi được Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa các gia đình trong bản cùng nhau bàn bạc thống nhất và đóng góp thêm 50 triệu đồng bao gồm cả ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa làm nơi hội họp, luyện tập văn nghệ. Hàng năm, vào dịp 3-3 âm lịch, người dân trong bản lại cùng nhau đóng góp lễ vật và bàn bạc thống nhất tổ chức lễ hội Căm Mương để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên ấm, an vui...”.

Dù được tái định cư trên miền đất mới, nhưng Tết Nguyên đán của người Lự là Tết to nhất trong năm, nên mọi gia đình chuẩn bị rất chu đáo từ khoảng giữa tháng 12 âm lịch. Phụ nữ thường đảm đương công việc may những bộ quần áo mới cho các thành viên trong gia đình mình. Nhà nào cũng phải chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, kê dọn đồ đạc ngăn nắp để ngày Tết có thể mời được nhiều anh em đến nhà ngồi uống rượu. Ngày 30 Tết, hầu như các gia đình đều mổ lợn, nhà khá giả thì mổ một hoặc hai con, những nhà có kinh tế eo hẹp thì cùng nhau mổ chung một con. Gạo, rau và các nhu yếu phẩm khác cũng được chuẩn bị rất chu đáo, sao cho trong những ngày Tết có nhiều anh em họ hàng đến chúc Tết và uống rượu mà không thiếu rượu thịt, rau dưa...

Bánh chưng (Hó khâu túm) là một trong những loại bánh không thể thiếu được đối với người dân tộc Lự mỗi khi họ ăn Tết. Nguyên liệu làm bánh chưng chủ yếu là gạo nếp, đỗ xanh hoặc đỗ đen, thịt lợn và lá dong. Bánh chưng của người Lự được gói theo hình dạng chiếc bánh gù của các dân tộc Dao, Thái... Có hai loại bánh chưng, đó là bánh chưng đen và bánh chưng trắng. Bánh chưng trắng làm đơn giản hơn bánh chưng đen một chút.

t07m_17a
Nghề dệt truyền thống được phụ nữ ở bản Lự bảo tồn, gìn giữ. Ảnh: Nhật Minh

Trong văn hóa người Lự thì việc chuẩn bị mâm cúng tổ tiên ở góc nhà phía trong cùng, nơi gần vị trí nằm ngủ của ông chủ nhà là nghi thức không thể thiếu. Mâm cúng tổ tiên gồm nhiều lễ vật như: Một con gà luộc, một miếng thịt lợn luộc, một đôi bánh chưng, một chai rượu, sáu đôi đũa, sáu cái bát, một chiếc đèn con, các chén uống rượu bằng ống nứa, một gói muối và gạo trộn lẫn nhau. Sau khi sắp xếp đầy đủ các lễ vật trên, ông chủ nhà thắp 3 nén nhang vào ống hương cài ở trên vách nhà rồi rót rượu vào các chén đặt ở dưới mâm lễ vật, sau đó thực hiện lễ cúng với lời cúng (tạm dịch): “Hôm nay, ngày Tết đầu năm, gia đình có lễ vật đầy đủ, cúng mời tổ tiên về nhà ăn Tết, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, không bệnh tật ốm đau, mùa màng được bội thu, thóc lúa đầy nhà, trâu, bò, lợn, gà không dịch bệnh, mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu...”. Cúng xong, chủ nhà lại rót từng giọt rượu vào đều các chén và cầm đũa chỉ vào từng lễ vật mời tổ tiên.

Sau khi cúng tổ tiên thì gia đình mới chính thức bước vào Tết Nguyên đán. Anh em họ hàng ở bản trên, mường dưới đều đến nhà nhau chúc Tết, uống rượu vui vẻ. Trong Tết Nguyên đán, người Lự còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, các thanh niên nam nữ thường hát đối đáp giao duyên, thổi sáo, chơi ném còn, đánh cầu lông gà... ở các khu vui chơi của bản. Trong ngày Tết Nguyên đán, người Lự cũng kiêng không nói tục, chửi bậy, không say rượu, không đánh, cãi nhau...

Chúng tôi chia tay những bản người Lự ở xã Nậm Tăm trong sự chếnh vếnh của những ché rượu thơm nồng, tiếng trống dập dồn của vòng xòe đoàn kết và trong cái bắt tay thật chặt. Vậy là một mùa xuân no ấm nữa lại về trên bản người Lự với một nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc trên quê hương tái định cư.

Nhật Minh

Bình luận

ZALO