Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Xuân sớm Trường Sa

Biên phòng - Sắp tới Tết Nguyên đán, ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và các nhà giàn DK1 (cụm dịch vụ kinh tế-khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam) đã ngập tràn sắc Xuân. Những ngôi nhà của dân trên đảo, doanh trại các đơn vị bộ đội được trang trí cờ hoa rợp cả một góc trời. Trên gương mặt các chiến sĩ trẻ, chúng tôi thấy hiện rõ vẻ háo hức, phấn chấn. Bởi ai cũng xác định rõ, bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng của người lính là sự vinh quang, niềm tự hào khi được Tổ quốc chọn là người giữ trọng trách bảo vệ sự bình yên của biển đảo quê hương.

u56a_25b
Bộ đội Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Đăng Bảy

Thắm tình quân dân

Không náo nhiệt, đủ đầy như ở đất liền, nhưng không khí Tết ở Trường Sa có những nét rất riêng, rất đặc biệt. Tại đảo Trường Sa Lớn, bên góc sân, những bó lá dong, lá chuối vừa được chuyển ra từ đất liền, còn tươi nguyên. Rảo một vòng xung quanh đảo, chúng tôi rất vui và càng khâm phục ý chí của bộ đội khi thấy những con heo béo mập trong chuồng, những vườn rau xanh mơn mởn.

Theo Trung tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, mùa này gió chướng nên để giữ được cây rau, phải đầu tư rất nhiều công sức. Có nhiều hôm, buổi sáng phải lấy tôn, tấm bạt che bên này, chiều lại phải xoay che bên kia. Nói theo kiểu tếu táo của lính đảo là: “Sáng chắn gió phủ, đêm ngăn sóng táp”. Đăng nói, đã từng có vườn rau, buổi chiều còn xanh tốt, đầy sức sống, nhưng qua một đêm gió chướng, sóng biển tung trắng xóa, sáng ra héo gục cả, xót lắm.

Không chỉ bộ đội mà các hộ dân trên đảo cũng tất bật tham gia quét dọn nơi công cộng, trang trí tạo không khí Tết. Nhiều cháu nhỏ mặc những bộ quần áo mới, tung tăng chạy nhảy ngay cạnh cột mốc chủ quyền. Chị Nguyễn Bình Phương Ái, ngụ nhà A3, thị trấn Trường Sa, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: Đảo Trường Sa Lớn không chỉ là quê hương thứ hai mà còn là mái nhà chung, nên người dân ở đảo vẫn nhắc nhở nhau phải thường xuyên chăm chút, giữ gìn đảo theo khả năng của mình.

Chị Ái chi biết, những năm trước, còn có một số hộ dân ở đảo vào đất liền ăn Tết, nhưng năm nay, 100% dân cư ở thị trấn Trường Sa ở lại. Chị Ái lý giải: “Vì quá vui, quá nghĩa tình và bền chặt sự gắn bó quân dân”. Chị khoe: “Con gái út của em, cháu Thái Bình Hải Thùy vừa được các chú bộ đội trên đảo tặng 2 bộ quần áo mới để vui Tết. Mới ngoài 2 tuổi nhưng tính cả Tết này nữa, Hải Thùy đã đón 3 Tết ở Trường Sa.

Vì cháu sinh ngày 1-12-2015, ngay trên đảo Trường Sa Lớn, nên được 2 tháng tuổi đã đón tết đầu tiên tại đảo rồi”. Anh Thái Nhật Cường, chồng chị Ái góp chuyện: Sau khi sinh, vợ chồng và mấy anh bộ đội bàn mãi mới chọn được tên Thái Bình Hải Thùy đặt cho cháu. Nó vừa bao hàm địa danh nơi cháu được sinh ra (hải-thùy), vừa thể hiện được nguyện vọng, khát khao của bao thế hệ người Việt (thái bình) đối với quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường Sa luôn kiên định, vững vàng vì sự bình yên của biển đảo quê hương là thông điệp, là mệnh lệnh trái tim, mà quân dân nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc gửi về đất liền, về hậu phương thân yêu.

Không chỉ ở Trường Sa Lớn mà ở những nơi chúng tôi tới trong hành trình này, như Trường Sa Đông, Núi Le, Đá Tây, Tiên Nữ, An Bang hay Cụm nhà giàn DK1... đều thấy rõ không khí chuẩn bị Tết của bộ đội rất chu đáo. Đặc biệt là ai cũng vui vẻ, tự hào khi được đảm nhận nhiệm vụ đón năm mới trong thời khắc thiêng liêng.

Tại đảo Núi Le, Binh nhất Nguyễn Ngọc Định, xạ thủ súng 12 ly 7 không giấu được niềm tự hào khi “khoe” thành tích: “Sau 3 tháng huấn luyện, em được ra Trường Sa. Lúc đầu cũng nhiều bỡ ngỡ vì mọi hoạt động như huấn luyện, học tập, lao động, vui chơi chỉ diễn ra trên hòn đảo nhỏ. Nhưng rồi cũng quen. Cái Tết đầu tiên trên đảo sẽ là kỷ niệm đẹp mà em không bao giờ quên. Thời khắc đó, bồng súng đứng gác giữa biển trời mênh mông, mới hiểu hơn 2 từ Tổ quốc thiêng liêng đến nhường nào...”.

Mệnh lệnh trái tim

Từng có 3 năm công tác liên tục ở Trường Sa Lớn, nhưng Trung tá Đỗ Hải Đăng vẫn không giấu được cảm xúc khi nói về không khí đón Tết ở đảo xa: “Háo hức lắm, anh ạ. Trước Tết vài tháng, anh em đã chộn rộn, tính từng ngày để được đón các đoàn khách từ đất liền ra thăm, chúc Tết. Nhìn những món quà được gửi ra, đã thấy ngay bàn tay khéo léo, sự chăm chút của các má, các chị, sự quan tâm của đất liền dành cho các chiến sĩ Trường Sa. Ngoài heo, gà, bánh kẹo, còn có cả củ kiệu, dưa hành, những hũ ớt ngâm dấm rất cầu kỳ và đẹp mắt. Có đoàn còn gửi tặng cả chậu quất cảnh, chậu hoa mai... Do vậy, tuy phải đón Tết ở Trường Sa, nhưng cũng chẳng thua kém gì ở đất liền. Trước sự quan tâm đặc biệt đó của hậu phương, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa lại càng vững tin, nêu cao hơn nữa quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tuy là lớp người đi sau, nhưng 3 năm liền đón Tết ở Trường Sa, đối với Trung tá Đăng, đó là sự trải nghiệm quý giá. Vợ anh cũng là lính Hải quân, nên rất thấu hiểu và chia sẻ với chồng. Một mình vừa công tác, vừa chăm 2 đứa con nhỏ, nhưng mỗi lần tiễn chồng lên tàu ra đảo, Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hồng (vợ Trung tá Đăng) cũng dặn dò chồng yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo, mọi việc ở nhà đã có vợ lo...

Tại nhà giàn Ba Kè, chúng tôi được gặp lại Trung tá Bùi Xuân Bổng, người có thời gian công tác ở cụm nhà giàn DK1 lâu nhất, với kỷ lục 29 năm. Quê Ứng Hòa, Hà Nội, tốt nghiệp sĩ quan Phòng không - Không quân, từ năm 1989, anh thuộc lớp đầu tiên ra công tác tại nhà giàn. Và đặc biệt hơn, chỉ một năm sau đó, anh là 1 trong 5 người sống sót trong vụ sập nhà giàn Phúc Tần, cách đây 27 năm. 

Chị Phạm Thị Như Trinh, hàng xóm chị Ái nói: “Bộ đội có cái gì ăn, nuôi được con heo hay trồng được luống rau, người dân chúng em đều có phần. Heo, gà, bánh trái đủ cả. Tết ở đảo rất vui. Tối 30, tất cả các hộ dân đều được mời tới hội trường của đơn vị giao lưu văn hóa, văn nghệ, đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Sau đó, mọi người lại kéo nhau đi lễ chùa...”. Theo chị Ái, chị Trinh và nhiều hộ dân ở đây thì chưa có nơi nào mà nghĩa tình quân dân lại gắn bó keo sơn như ở Trường Sa.

Sau đợt đó, đồng đội vẫn thấy anh làm đơn xung phong ra DK1 công tác. Và rồi tình yêu Tổ quốc cộng với “cái duyên” đã gắn bó anh với biển đảo cho tới nay. Anh Bổng nhớ lại cái Tết đầu tiên tại nhà giàn: Lúc đó không có điện, nước ngọt rất khan hiếm, rau xanh càng không có. Việc tiếp tế một năm chỉ được 1 - 2 lần. Ngày Tết, bộ đội chủ yếu ăn đồ hộp. Thế nhưng, đã thành nếp, tuy khó khăn, gian khổ nhưng Tết đến, anh em vẫn mày mò cắt, vẽ, trang trí nhà cửa, bàn thờ. Đêm 30, cũng tổ chức đón Giao thừa, giao lưu văn nghệ cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương...

Anh Bổng nói, nhà giàn bây giờ đã được xây dựng khang trang, vững chãi rồi. Đã có điện năng lượng mặt trời, có máy lọc nước ngọt. Tuy không có lấy một tấc đất, nhưng anh em đã chịu khó tận dụng các khoảng trống trên nhà giàn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Năm 2017, nhà giàn DK1/9 do anh làm Chỉ huy trưởng đã thu được 840kg gia súc, gia cầm; 950kg rau xanh; 1.500kg cá tươi, đưa vào bữa ăn cho bộ đội.

Đi từ cái Tết khó khăn của những năm đầu tiên mới xây dựng nhà giàn, đến nay, anh Bổng đã có 20 lần đón Tết ngoài biển khơi ngàn trùng. Anh tâm sự: “Ra nhà giàn lại nhớ nhà, nhớ đất liền. Nhưng một năm về nhà được mấy ngày, nằm chưa ấm chỗ lại nhớ đơn vị, nhớ anh em, lại muốn ra với biển...”.

Trường Sa luôn kiên định, vững vàng vì sự bình yên của biển đảo quê hương là thông điệp, là mệnh lệnh trái tim, mà quân dân nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc gửi về đất liền, về hậu phương thân yêu.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO