Biên phòng - Trong hai tháng 7 và 8-1967, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến, chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6 và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Tháng 10 và 12-1967, Bộ Chính trị họp hai cuộc họp đã ra nghị quyết quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Bộ Chính trị thông qua phương án đã được Quân ủy Trung ương nhất trí, xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Theo đó, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, quân Giải phóng sẽ nổ súng mở màn Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh để buộc Mỹ phải chú ý tập trung điều lực lượng chủ lực ra đối phó, tạo điều kiện để giữ bí mật hướng trọng điểm và tiếp tục chuẩn bị.
Tuy nhiên, so sánh tương quan quân Giải phóng và quân Mỹ thì việc đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều gần như không thể thực hiện được. Do đó, Bộ Chính trị chủ trương: "Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ... do đó, phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam". Đây là một bước đột phá lớn, được coi là mang tính bước ngoặt của cuộc chiến.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30-1-1968 (đêm mồng 1 Tết Mậu Thân). Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quận lỵ, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ ngụy Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn. Hiệu lệnh mở màn là bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Đêm 30-1-1968 (đêm 30, rạng ngày mồng 1 Tết): Các lực lượng vũ trang ở Khu 5 và Tây Nguyên tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào căn cứ quân sự của Mỹ ở các tỉnh lỵ, thị trấn như: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa ở Đà Nẵng, Hội An, sân bay ĐÐà Nẵng, sân bay Non Nước, Nha Trang, Đắk Lắk, Plây Cu, Quy Nhơn (Bình Định)...
Đêm 31-1-1968 (đêm mồng 1, rạng mồng 2 Tết), quân Giải phóng tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào căn cứ Mỹ ở các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Phong Định, Vĩnh Long, Cần Thơ... Đêm 1-2-1968 (đêm 2, rạng ngày 3 Tết), quân Giải phóng tiếp tục đánh vào các tỉnh lỵ khác như: Kiến Hòa, Định Tường, Gò Công, Kiên Giang, Vĩnh Bình, Bình Dương, Tuy Hòa, Biên Hòa, Tuyên Đức, Châu Đốc, An Xuyên.
Thành công của Tết Mậu Thân đã giáng một đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị thế và ảnh hưởng của chính quyền và quân ngụy Sài Gòn cả ở thành thị lẫn nông thôn, khiến cho giới lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ phải bàng hoàng, sửng sốt.
Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Mỹ thấy rằng, việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã gây căng thẳng trong xã hội Mỹ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội... mà vẫn không đánh bại được đối phương, chiến tranh không biết kéo dài đến bao giờ? Sau này, trong hồi ký, Lin-đơn B. Giôn-xơn thú nhận: Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là "một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ", "đã gây ra một hậu quả tác động xấu đến một số người trong và ngoài Chính phủ, nhân dân Mỹ và một số nhân vật trong chính quyền bắt đầu nghĩ rằng chúng ta đã thất bại".
Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và không tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác, các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên ti vi đánh vào lương tâm công chúng. Người dân Mỹ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, bởi họ coi chiến tranh là bẩn thỉu.
Với sức ép của Tết Mậu Thân, cùng với việc thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Mỹ còn cách chức tướng William C.Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đưa Abrams lên thay (9-3-l968). Đồng thời, Johnson tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới.
Cuối cùng, 2 bên lấy Paris (Pháp) làm địa điểm họp chính thức. Phiên họp đầu tiên được hai bên ấn định vào ngày 10-5-1968. Hình thức họp là 4 bên tham gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa. Đây lại là bước nhượng bộ nữa của Mỹ, bởi trước đó, họ từ chối công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và coi Việt Nam Cộng hòa là "Chính phủ duy nhất của miền Nam Việt Nam". Richard Milhous Nixon thắng cử vì hứa sẽ chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ rút quân về nước và đàm phán với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề của Hoa Kỳ bây giờ là rút ra như thế nào?

Nhân dịp này, ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu... nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc".
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 không còn trong phạm trù chiến thuật, mà mang tầm vóc thắng lợi chiến lược, nó tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý xã hội nước Mỹ. Đây là thắng lợi mang tính chiến lược: Hoa Kỳ buộc phải xuống thang và tìm cách rút khỏi Việt Nam.
Đúng như Bộ Chính trị kết luận: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: "Đường lối của chúng tôi không chỉ đơn thuần là quân sự, mà là một chính sách tổng thể, kết hợp toàn diện cả quân sự - chính trị - ngoại giao. Cuộc tiến công Mậu Thân có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị".
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã là tiền đề cho các cuộc tổng tiến công chiến lược 1972 và mùa Xuân đại thắng năm 1975 của dân tộc Việt Nam.
Lê Quý Hoàng