Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Xuân ấm trên non cao

Biên phòng - Thấm thoắt cũng đã 2 mùa mưa nắng đi qua kể từ ngày đại dịch Covid-19 xuất hiện, trên tuyến đầu biên giới các tỉnh Tây Nguyên, bộ đội và nhân dân vẫn đoàn kết một lòng, chung tay gìn giữ và bảo vệ biên giới. Cái sự dẻo dai, bền bỉ ấy đã là chất kết tinh được gạn lọc, bồi lắng suốt một quá trình dài đương đầu với mọi mối nguy cơ; từ giặc ngoại xâm đến “giặc đói”, “giặc dốt”. Hôm nay, dẫu đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ của đại dịch, những chủ nhân của đất rừng biên giới vẫn luôn biết cách vượt qua để có được mùa Xuân ấm áp và trọn vẹn nhất…

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP (thứ 3 từ phải sang) tham gia "Ngày hội Bánh chưng xanh" cùng nhân dân xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thái Kim Nga

Sức lính trên những "pháo đài" chặn dịch

Chúng tôi bắt đầu chuyến “du Xuân” từ miền biên giới Bắc Tây Nguyên, nơi mùa này ngập chìm trong nắng, trong gió và sắc vàng của những đóa dã quỳ nở muộn. Vẫn là kiểu thời tiết “đỏng đảnh” ngày nắng nóng - đêm gió lạnh, còn phía xa xa là mây mù vần vũ, điều này cho thấy mùa mưa bão chưa hẳn đã đi qua.

Ngày cuối năm, đến thăm Trạm Kiểm soát cửa khẩu phụ Đắk Plô thuộc Đồn Biên phòng Sông Thanh, BĐBP Kon Tum, chúng tôi cảm nhận sự khắc nghiệt của tự nhiên cũng không khác là bao so với vài ba năm trước. Trong cái lạnh tê tái của nền nhiệt dưới 10 độ C, mưa vẫn nặng hạt, còn gió thì như muốn xé toạc vai áo của người chiến sĩ Biên phòng. Mặc dù vậy, đời sống của bộ đội trên điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19 này đã có nhiều sự đổi thay theo hướng tích cực. Đông đã ấm hơn, ao chuồng cũng đã đủ đầy vật nuôi hơn, giúp cho “thực đơn” mỗi ngày của người lính thêm phần tươm tất.

Thiếu tá Nguyễn Văn Xuân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh chia sẻ: “Bên cạnh bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội thì việc duy trì các chế độ sinh hoạt, công tác tại các điểm chốt phải được chấp hành một cách triệt để. Thời điểm cuối năm như thế này, mặc dù rau xanh chưa thể trồng được do trời còn mưa nhiều và giá rét, nhưng các loại thực phẩm tươi sống khác như thịt, cá, củ, quả thì thoải mái dùng. Cán bộ, chiến sĩ trên các tổ, chốt tuyệt đối an tâm tư tưởng để bám trụ vững vàng trên biên giới…”. Đây có thể nói là tín hiệu rất lạc quan đối với những người lính Biên phòng nơi miền cực Bắc Tây Nguyên, bởi họ đã trải nghiệm rất nhiều gian khổ, mất mát và hy sinh trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó có “khúc tráng ca” về Thượng úy Phạm Ngọc Hải hy sinh cách đây hơn 1 năm đã để lại bên dòng sông Thanh nỗi nhớ nghìn trùng.

Tính đến thời điểm hiện nay, không riêng gì Trạm Kiểm soát cửa khẩu phụ Đắk Blô mà toàn bộ 44 chốt phòng, chống dịch Covid-19 kiên cố và bán kiên cố trên tuyến biên giới nằm trên hành lang Bắc - Nam ngã ba Đông Dương đều đang được vận hành theo mô hình chốt chính quy, vững mạnh do Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum triển khai xây dựng. Đó thực sự là những “pháo đài” chặn dịch bất khả chiến bại trên đường biên giới, mà dường như càng vào trong rừng sâu hay lên non cao bao nhiêu thì càng mạnh mẽ, vững vàng bấy nhiêu.

Không lạnh và mưa gió nhiều như miền Bắc, ngày cuối năm thật ấm đối với cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát số 470 thuộc Đồn Biên phòng Bu Cháp, BĐBP Đắk Nông - điểm cuối cùng trên biên giới cực Nam Tây Nguyên. Đây là thời điểm “chính vụ” xuống các loại giống rau, củ, quả các loại để bộ đội có cái dùng hàng ngày, cũng như chuẩn bị nguồn thực phẩm tươi sống cho dịp Tết cổ truyền sắp tới. Đàn gia súc, gia cầm cũng đã bắt đầu “tăng tốc” cả về số lượng, trọng lượng và chủng loại, đáp ứng tốt nhu cầu bữa ăn hàng ngày cho anh em. Tất cả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đời sống sinh hoạt, công tác đều đã được kiên cố hóa, đạt tiêu chuẩn do ngành hậu cần đề ra.

"Các anh về, mái ấm nhà vui..."

Ngày cuối năm, theo chân đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai, chúng tôi lên thăm hộ gia đình ông Rơ Lan Kem ở làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai để được cảm nhận niềm vui của những người vừa được chuyển về nơi ở mới. Sau hơn 1 tháng đẩy nhanh tốc độ thi công, căn nhà cấp bốn đã được bàn giao đến tay chủ nhân của đất làng trong nụ cười rất tươi của cả người cho và người nhận. Toàn bộ kinh phí xây dựng căn nhà gần 90 triệu đồng đều được Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai và Đồn Biên phòng Ia O hỗ trợ, thể hiện tình cảm, lòng tri ân của người lính Biên phòng dành cho các chủ nhân đất rừng biên giới. Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Lan Kem nghẹn ngào cho biết: “Nhờ có BĐBP, gia đình mình đã có nhà mới, đón Tết ấm áp hơn. Đây là cơ sở giúp mình an tâm lao động sản xuất, nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hôm nay bộ đội về, nhà mình thật vui…”.

Phút giải lao của những người lính trên chốt kiểm soát số 470, Đồn Biên phòng Bu Cháp, BĐBP Đắk Nông. Ảnh: Thái Kim Nga

“Các anh về, mái ấm nhà vui…” - giai điệu mượt mà, lắng đọng, đầy sức Xuân của bài hát “Bộ đội về làng” của nhạc sĩ Lê Yên ra đời cách đây tròn 70 năm giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, mỗi chuyến về làng của bộ đội là mang thêm nhiều nụ cười dành cho nhân dân. Chỉ riêng năm 2021, BĐBP Gia Lai đã trực tiếp và phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội tặng cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn biên giới, với tổng trị giá hơn 470 triệu đồng. Với cách làm tương tự, cũng đã có 6 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và mái ấm tình thương (tổng trị giá 530 triệu đồng) được những người lính Biên phòng Kon Tum trao đến tay người nghèo khi mùa Xuân của đất nước đang tới rất gần.

Xây dựng mái ấm tặng người nghèo là một trong những chương trình lớn, xuyên suốt và đầy tính nhân văn của người lính Biên phòng trên khắp mọi miền đất nước. Bằng cách làm này hay cách làm khác, người lính Biên phòng vẫn luôn đồng hành, sẻ chia, mang nụ cười đến thôn, làng biên giới. Xuân này, nhân dân ở xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) có nhận thêm tin vui khi công trình phòng khám y tế do Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đầu tư được đưa vào sử dụng. Mô hình y tế chăm sóc sức khỏe này có quy mô 10 giường, với đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế sẽ do đội ngũ quân y Biên phòng trực tiếp đảm nhiệm việc khám và chữa bệnh cho tất cả các đối tượng trên địa bàn.

Cùng với 4 trạm y tế quân dân y kết hợp hiện đang duy trì hoạt động hiệu quả, có thể nói, công tác chăm sóc y tế cho nhân dân nơi tuyến đầu biên giới của tỉnh Đắk Lắk đã, đang và sẽ mãi ghi đậm dấu ấn của người lính Biên phòng. Và đó cũng chính là nguồn năng lượng tỏa hơi ấm cho buôn làng để dệt nên một mùa Xuân tràn đầy niềm tin và khát vọng đang đến rất gần ở phía trước.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO