Biên phòng - Xuất hiện ở Việt Nam gần 15 năm nay, nhưng giáo dục trực tuyến, nhất là đối với bậc học phổ thông, vẫn còn là điều mới mẻ. Thế nhưng áp lực nguy hiểm từ dịch bệnh Covid-19 hiện nay, buộc ngành giáo dục phải có những bước đi mạnh dạn trong áp dụng giáo dục trực tuyến.

Học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bước sang tuần thứ 6 phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Nhằm giúp các em học sinh có thời gian ôn tập, duy trì thói quen học tập trong thời gian này, một số địa phương, cơ sở giáo dục đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến trên internet, hoặc trên truyền hình.
Cụ thể, từ ngày 1-2-2020, Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm Hệ thống học tập trực tuyến tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn dành cho học sinh khối 8, 9 và khối 11, 12 trên địa bàn. Trước đó, một số trường đã chủ động dạy và học trực tuyến với các hình thức khác nhau. Theo số liệu thống kê, sau 1 tháng thử nghiệm, đã có 120.000 học sinh Thủ đô tham gia ôn tập trực tuyến (chiếm tỷ lệ 55% tổng số học sinh lớp 8 và lớp 9 trên toàn thành phố) với tổng số lượt ôn tập đạt 1,2 triệu lượt.
Cùng với học trực tuyến, các chương trình giáo dục từ xa qua truyền hình cũng đã được triển khai trên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và một số đài địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Nam Định...
Theo nhiều chuyên gia, giáo dục trực tuyến là giải pháp kịp thời, đặc biệt hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Các website trực tuyến, chương trình học trên truyền hình nếu có thêm các bài giảng và các dịch vụ hỗ trợ, tăng tính tương tác giữa thầy và trò sẽ thu hút đông đảo hơn học sinh tham gia học tập.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về hiệu quả của hình thức giáo dục mang tính giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện nay. Bởi, dạy online chỉ hỗ trợ phần nào cho học sinh không bị quên kiến thức, chứ so với hiệu quả của dạy trực tiếp vẫn kém rất xa. Trong khi công nghệ thông tin của nhiều cơ sở giáo dục vẫn thiếu hoặc yếu và điều quan trọng là nhà trường, phụ huynh rất khó để kiểm soát, giám sát, đôn đốc quá trình học tập tự giác của học sinh.
Cần phải thừa nhận, so với thế giới, giáo dục phổ thông trực tuyến ở Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức độ sơ khai, mặc dù nền tảng công nghệ được đánh giá ở mức phát triển. Vì nền giáo dục chúng ta chưa sẵn sàng cho những thay đổi căn bản, bao gồm cả quan điểm, chính sách và sự chủ động của người học. Chúng ta chưa thấy tính cấp thiết của một phương thức giáo dục khác song hành, bổ trợ và kích thích cho giáo dục truyền thống, khắc phục những nhược điểm cố hữu của giáo dục truyền thống.
Mặc dù không thể thay thế giáo dục truyền thống, nhưng rõ ràng, giáo dục trực tuyến đang là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại trên thế giới, cho phép người học chủ động học tập mọi lúc mọi nơi, theo nhu cầu và điều kiện của mình, giúp tiết kiệm rất lớn về đầu tư và vận hành cho ngành giáo dục, giúp giảm tải áp lực hạ tầng cơ sở nói chung. Không chỉ mở thêm cơ hội và tăng sự chủ động cho người học, giáo dục trực tuyến còn tăng cả sự chủ động cho ngành giáo dục trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi có những biến cố lớn như đợt dịch bệnh Covid-19 lần này.
Những kết quả giảng dạy trực tuyến trong thời gian qua của các trường, các địa phương là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự sẵn sàng của các nhà trường và học sinh cho những thay đổi lớn - đưa giáo dục trực tuyến vào trường học trong tương lai gần.
Thanh Thảo