Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Xử nghiêm hành vi “thổi” giá

Biên phòng - Trong khi người dân cả nước đang đồng lòng vượt khó, gồng mình chống dịch Covid-19, thì có những kẻ nhẫn tâm, nhân cơ hội này trục lợi ngân sách mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch bệnh.

fejp_5
Ảnh minh họa

Những ngày qua, dư luận thực sự phẫn nộ trước hành vi phạm tội của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 6 đồng phạm đã cấu kết để nâng khống giá mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 tự động (Realtime PCR) lên 7 tỷ đồng, trong khi giá nhập khẩu chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng.

Điều đáng buồn là từ vụ việc trên, dần lộ ra nhiều địa phương cũng mua hệ thống Realtime PCR với giá cao như tỉnh Quảng Nam quyết định chi tới 7,56 tỷ đồng (thương thảo còn 7,2 tỷ đồng); tỉnh Thái Bình quyết định chi 6,48 tỷ đồng (thương thảo còn 5,8 tỷ đồng)...

Dù các địa phương này giải trình vì không có thông tin tham chiếu, thiếu kinh nghiệm và tin tưởng nhà thầu nên mua phải thiết bị giá cao nhưng không thể lý giải về “mức giá trên trời” khi được phê duyệt. Dư luận cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải trả lời thỏa đáng thắc mắc: Có hay không việc khan hiếm thiết bị mà giá tăng đột biến? Có phải các doanh nghiệp, nhà thầu đã nhân tình hình dịch bệnh phức tạp để “nâng giá”?

Theo nhiều chuyên gia y tế, để xét nghiệm Covid-19 thì ngoài hệ thống trang thiết bị máy móc, còn có sinh phẩm, kit xét nghiệm. Việc mua sắm thiết bị xét nghiệm không chỉ nhìn vào giá máy, mà thiết bị phải tương thích với các sinh phẩm, kit xét nghiệm đi kèm. Nếu không tương thích sẽ có nhiều chi phí phát sinh.

Thế nhưng, việc mua sắm hệ thống Realtime PCR của các tỉnh, thành mỗi nơi một phách. Nhiều CDC, bệnh viện đã mua hệ thống Realtime PCR  “đóng” (cài sẵn chương trình xét nghiệm tự động chỉ tương thích với kit xét nghiệm chính hãng), nên phải phụ thuộc vào hãng sản xuất cung cấp kit với giá cao. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế nhờ độ nhạy cao, kết quả chính xác, với giá thành chỉ 500 nghìn đồng/kit (bằng ½ kit nhập ngoại).

Từ vụ việc tiêu cực tại CDC Hà Nội, dư luận không khỏi băn khoăn trước thực tế nhiều tỉnh, thành phố đã chi từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đa số các gói thầu mua sắm này được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ định thầu ở đây không có nghĩa là không đấu giá. Luật Đấu thầu bắt buộc các chủ đầu tư phải thuê thẩm định giá, yêu cầu nhà thầu lựa chọn sản phẩm với mức giá phù hợp với giá thị trường trong và ngoài nước. Sau khi thẩm định giá đưa ra ý kiến, cần phải có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất.

Hiện, các cơ quan chức năng hiện đang xác minh, làm rõ nhiều gói chỉ định thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm đã rơi “bất thường” vào tay một số công ty. Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (Hà Nội) cung cấp hệ thống Realtime PCR cho tỉnh Ninh Bình với mức giá trúng thầu 7,8 tỉ đồng đã từng liên danh tham gia 17 gói thầu tại các địa phương và thắng thầu cả 17 gói. 

Theo các chuyên gia, hiện tượng “loạn giá” trúng thầu vật tư, thiết bị y tế trong thời gian qua, đầu tiên phải kể đến vai trò, trách nhiệm của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương. 

Chính việc thông đồng “thổi” giá, nâng khống trong thẩm định giá đã trở thành một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất, để các đối tượng luồn lách, lợi dụng rút ruột ngân sách. 

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO