Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 07:50 GMT+7

Xử lý thông tin xấu độc trên TikTok

Biên phòng - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới do các nội dung sai lệch, xấu độc xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng này.

Ảnh: minh họa

Ra mắt vào năm 2017, TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội bắt nguồn từ Trung Quốc được dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Nó được sử dụng để tạo ra các video ngắn với đa dạng các hiệu ứng, như: Hát nhép, hài kịch, khiêu vũ, tài năng…, cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề.

Với đặc điểm ngắn gọn và xu hướng (trend) thích xem, lười đọc của giới trẻ hiện nay, ứng dụng này ngay lập tức “gây nghiện” và sở hữu mức độ tương tác “khủng”. TikTok hiện thu hút 1 tỷ người dùng trên toàn cầu và hơn 50 triệu người dùng ở Việt Nam.

Đi đôi với tăng trưởng như vũ bão, TikTok cũng liên tục khiến dư luận bức xúc về những nội dung xấu, độc hại, khiêu dâm, truyền bá mê tín dị đoan, tin giả được lan truyền một cách chóng mặt.

Đáng lo ngại là TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em.

Đặc biệt, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo trend nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Thế nên, các Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này (TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được).

Nền tảng xã hội này cũng không có biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.

Hệ lụy của những sai phạm trên dẫn tới TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Những vi phạm này khuyến khích cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và vi phạm bản quyền tràn lan.

Trên thế giới, TikTok đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu vì vấn đề an ninh và nội dung độc hại.

Theo báo cáo minh bạch, trong quý IV/2022, TikTok đã xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách, trong đó, 94,9% là chủ động xóa. Mặc dù vậy, các chuyên gia an ninh mạng chỉ ra, động lực thực sự của TikTok không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán AI của nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm hoặc phản cảm ra sao. Các lỗ hổng trong hệ thống đánh giá khiến nội dung độc hại dễ dàng vượt qua vòng sàng lọc, trong khi việc duyệt thủ công từng video là không thể với lượng người dùng khổng lồ của TikTok.

Thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như TikTok, Facebook, Google… tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn là một vấn đề phức tạp trong nhiều năm qua. Việc các nền tảng nói trên không đặt máy chủ tại Việt Nam là nguyên nhân khiến các nội dung bẩn không được xử lý tận “gốc” mà chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả khi sự việc đã rồi.

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ để cộng đồng mạng không bị xâm hại hay “tiếp tay” cho thông tin xấu độc chính là nâng cao nhận thức “sức đề kháng” cho người tham gia mạng xã hội để không bị “thế giới ảo” dẫn dắt và phạm sai lầm. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển giải pháp công nghệ để loại bỏ những hành vi vi phạm, trả lại sự trong sạch cho môi trường văn hóa trên các nền tảng mạng xã hội.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO