Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Xử lý nghiêm bạo lực gia đình

Biên phòng - Sau 14 năm thực thi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2007 đã bộc lộ một số quy định không còn phù hợp với tình hình hiện tại, thủ tục hành chính và điều kiện xử lý phức tạp khiến các hành vi BLGĐ chưa được xử lý hiệu quả. Chính vì vậy, dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo đang được gửi lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, được cho là sẽ khắc phục những bất cập trong ngăn chặn BLGĐ.

Ở nước ta, BLGĐ vẫn là một vấn nạn chưa thể xóa bỏ. Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trung bình mỗi năm xảy ra gần 32.000 vụ BLGĐ về thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế. Hơn một nửa phụ nữ bị bạo lực không chia sẻ với người nào; chưa tới 1/3 nạn nhân chia sẻ với người thân, bạn bè và chỉ có rất ít người thông báo với chính quyền địa phương (4,3%) và tổ hòa giải (3,6%).

Đáng lo ngại là trong dịch bệnh Covid-19 với những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống, các vụ BLGĐ trên cơ sở bất bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Số cuộc gọi báo cáo về BLGĐ tăng lên khoảng 20%; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh đã tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.

Theo các nhà hoạt động xã hội, nguyên nhân gia tăng BLGĐ vì các hành vi bạo lực khi được báo cáo còn chưa được xử lý triệt để, mặt khác, luật pháp còn có những điều chưa phù hợp với tình hình hiện tại.

Đơn cử, hiện chưa có chế tài yêu cầu người gây ra bạo lực phải chuyển ra khỏi nhà hay cách ly. Phụ nữ đa số là những người phải ra ngoài tìm sự giúp đỡ, kéo theo đó là sự vất vả, thiếu thốn, nhất là khi có người còn phải mang theo con.

Dư luận đánh giá cao các quy định mới bổ sung trong dự thảo luật sửa đổi về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; hỗ trợ nạn nhân trong quá trình bị bạo lực và sau khi tái hòa nhập với cộng đồng; công tác truyền thông về phòng, chống BLGĐ cũng như xã hội hóa lĩnh vực phòng, chống BLGĐ...

Theo đó, bản thân người gây BLGĐ sẽ hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như hậu quả của bạo lực. Nạn nhân bị bạo lực cũng sẽ hiểu ra rằng các hành vi bạo lực này cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh, đồng thời, họ có thể chủ động khai báo hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, các cơ quan thực thi, trong đó có chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, họ sẽ hiểu rõ hơn trách nhiệm của họ cũng như chủ động huy động các nguồn lực cần thiết để tham gia vào công tác phòng ngừa và ứng phó khi bạo lực xảy ra tại địa bàn họ quản lý.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà người dân quan tâm là dự thảo luật quy định như thế nào đối với những trường hợp mâu thuẫn chưa được hóa giải dù đối tượng gây BLGĐ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Mặc dù, dự thảo luật quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan để phòng ngừa hành vi này trong tương lai. Tuy nhiên, để thực sự giải quyết thấu đáo câu chuyện này, cần tăng cường thêm sự chủ động vào cuộc của cơ quan công an khi xử lý các hành vi BLGĐ và sự nghiêm minh của pháp luật để tránh “nhờn” luật.

Mặt khác, cần bổ sung hình phạt buộc người gây BLGĐ học thuộc các quy định pháp luật liên quan, đồng thời phải lao động công ích ở địa phương và cộng đồng để họ nhận thức ra sai phạm. Như vậy, người gây ra bạo lực khó có thể trốn tránh trách nhiệm và ngăn ngừa được hành vi này trong tương lai.

Với những thay đổi phù hợp với thực tế đời sống, tin tưởng Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ nạn nhân, xử lý nghiêm hành vi BLGĐ, từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO