Biên phòng - Trong khi các hiệp hội vận tải ô tô đồng loạt kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giảm phí qua các trạm BOT đường bộ (theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, Bộ GTVT lại kiến nghị ngược lại, cho phép các trạm BOT được tăng phí theo hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, thay vì Nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ.

Bộ GTVT giải trình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp triển khai dự án BOT giảm sút. Theo thống kê, 58/60 dự án BOT có doanh thu từ thu phí thấp hơn kế hoạch, trong đó, doanh thu thực tế của 17 dự án chưa đạt 50%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới khả năng trả nợ của các doanh nghiệp BOT, đồng thời không có nguồn vốn để bảo trì công trình dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng.
Theo tính toán, trường hợp chưa tăng phí, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tăng phí tại các dự án BOT vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay đầu tư dự án BOT, giảm lãi suất các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT... Riêng các dự án giảm trên 50% doanh thu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng bố trí ngân sách hỗ trợ, trường hợp cần thiết Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.
Đề xuất tăng phí BOT ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp vận tải. Bởi, chính doanh nghiệp vận tải mới thực sự cần sự chia sẻ khó khăn, cần Nhà nước hỗ trợ. 4 tháng đầu năm, doanh thu của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, từ 50-60% so với cùng kỳ. Dù hoạt động trở lại nhưng doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn vì lượng khách, hàng hóa ít, tần suất chạy thấp. Phí BOT đang chiếm tới 30-40% giá phí vận tải (sau xăng dầu), nên nếu tăng phí BOT, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ đứng trước bờ vực phá sản.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp. Trong bối cảnh cả nước chung tay khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, Chính phủ nên xem xét cụ thể, rà soát từng dự án, để phí BOT hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư BOT - người sử dụng (người dân và doanh nghiệp). Tăng phí sẽ làm nảy sinh thêm mất công bằng, mâu thuẫn giữa người sử dụng và nhà đầu tư. Để hỗ trợ doanh nghiệp BOT có nhiều cách vận dụng như: cho phép nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí; chỉ tăng với những dự án mức thu thấp, dự án có sự lựa chọn khác cho người dân. Riêng các dự án có mức thu đang cao, tuyến đường độc đạo chưa nên cho tăng phí.
Dư luận cho rằng không thể lúc lời lãi thì doanh nghiệp hưởng, còn lúc thua lỗ lại bắt người dân, Nhà nước phải gánh. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi loại hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao, thua lỗ chứ không chỉ riêng lĩnh vực BOT giao thông. Do đó, trường hợp phải tăng phí BOT để “cứu” nhà đầu tư BOT thì cần tính đến thời điểm phù hợp, phải nghĩ tới các thành phần kinh tế khác và nên đợi tới khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn định trở lại.
Thanh Thảo