Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 08:55 GMT+7

Xử lý “mạnh tay” với tình trạng hủy hoại nguồn lợi thủy sản

Biên phòng - Xét trên tổng thể, các loại nghề khai thác hủy hoại môi trường biển đã vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy sản. Trước tình trạng “nhờn” luật tại nhiều địa phương, đã đến lúc Chính phủ phải “quy” rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương theo quy định của pháp luật. Phóng viên báo Biên phòng đã phỏng vấn Thạc sĩ Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam.

8kp9_10a
Thạc sĩ Võ Thiên Lăng. Ảnh: Hải Luận

Ông Lăng cho biết:

- Chúng ta vẫn đang khai thác chủ yếu trên diện rộng, chưa hình thành ngành khai thác hiện đại. Phương tiện nhiều nhưng chỉ có 23% hiện đại, tuy vậy, công suất máy chỉ trên 400CV. Số liệu phân tích năng suất khai thác, có cột biểu đồ đi xuống, phương tiện phát triển ồ ạt, trang bị không đúng, không cùng chủng loại. Khâu hao hụt sau thu hoạch chiếm 18 - 20%. Đây là thực trạng của ngư dân chúng ta hiện nay.

Dứt khoát không cả nể

- Năm 1990, cả nước có khoảng 41.000 tàu khai thác thủy sản, chủ yếu vùng biển ven bờ. Đến nay, tổng số tàu cá trên toàn quốc hơn 110.000 tàu đánh cá, phải chăng đây là nguyên nhân làm cho nghề khai thác gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

- Số lượng tàu đánh cá nhiều, nhưng chiếm phần lớn làm nghề “tận thu, tận diệt”. Chẳng hạn nghề giã cào, nghề có mắt lưới dày, nhiều nước trên thế giới đã cấm hoạt động lâu rồi, ở nước ta còn đầy ngoài biển. Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, quy định rất rõ: “Nghiêm cấm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản”. Đã đến lúc cơ quan Nhà nước không cấp phép hoạt động đối với các loại tàu đánh cá mang tính hủy hoại môi trường và có mắt lưới dày dưới quy định. Chỉ có phạt thật nặng, họ mới từ bỏ những hành vi phá hoại môi trường. 

Tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực tháng 7-2019, mức xử phạt cao nhất đến 1 tỉ đồng. Hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh, khu vực thủy sản tập trung sinh sản, phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản, bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. 

- Bao nhiêu năm nay, các cơ quan thực thi pháp luật thường “cả nể” với ngư dân, bởi cụm từ “vì cuộc sống mưu sinh của dân nghèo”. Lần này, mức xử phạt có đủ sức nặng để “chặn đứng” các nghề hủy hoại môi trường biển?

- Do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ được các hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vấn đề căn bản nhất và xuyên suốt nhất là phải thực thi nghiêm Luật Thủy sản với mức xử phạt vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng đối với chủ phương tiện cố tình vi phạm để đảm bảo sức răn đe. Đừng có thương hại nữa, “biển đói” thì chính người dân biển phải  “chịu trận”. Khi biển tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng chính ngư dân sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, trong quy định Nghị định 42/2019/NĐ-CP đã khá “mạnh tay”, nếu chủ phương tiện cố tình vi phạm, sẽ tịch thu tàu cá, ngư cụ, công cụ kích điện, chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc, thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác.

- Trên thực tế, chưa có chế tài cụ thể để quy trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương. Rồi giống như “chuyện cũ” vẫn cứ chung chung, không có ai phải chịu trách nhiệm, quan điểm của ông như thế nào?

- Trong Luật Thủy sản quy định rất rõ, chính quyền địa phương phải thực thi các biện pháp ngăn chặn và xử phạt về các hành vi vi phạm. Phải “quy” trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu đánh cá và các phương tiện tàn phá nguồn lợi thủy sản nhiều, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết xử lý ông đứng đầu quản lý hành chính. Có như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh mới hô hào, mới đốc thúc, mới ra chỉ thị, mới triển khai các biện pháp cho người dân, các cơ quan, chính quyền địa phương các cấp, phải thực thi triệt để pháp luật và bảo vệ nguồn lợi của địa phương mình.

0wds_10b
Theo Luật Thủy sản, nghề câu cá ngừ đại dương sẽ được cấp hạn ngạch sản lượng khai thác hằng năm. Trong ảnh: Ngư dân đưa cá ngừ lên cảng cá Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hải Luận

Cấp hạn ngạch khai thác thủy sản

- Tàu đánh cá của nước ta quá nhiều, nhưng vẫn chưa có chiếc nào dài 80 - 100m, trở thành “quả đấm chủ lực” trên biển. Theo ông, nước ta có cần phải sàng lọc bớt số lượng tàu cá?

- Cần phải sàng lọc bớt tàu đánh cá có thân ngắn, máy công suất nhỏ, các loại nghề lưới mắt dày, nghề giã cào, tàu sử dụng ánh sáng điện có công suất lớn... Chính quyền địa phương cương quyết không cấp phép, không gia hạn đối với những nghề hủy hoại nguồn lợi. Từ đó, ngư dân tự chuyển đổi nghề và thị trường tự đào thải. Nhà nước cần hỗ trợ thêm tiền dầu đối với những nghề thực sự bám biển khai thác lâu ngày ở vùng khơi xa. 

- Ông tâm đắc với những điểm nào trong Luật Thủy sản?

“Điều 49, Luật Thủy sản quy định: “... Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài”.

- Trong Luật Thủy sản có hai vấn đề mới: Thứ nhất, đồng quản lý nghề cá ven bờ, tức là giao vùng nước cho ngư dân tự quản lý, giống như ta đang làm trên bờ “giao đất, giao rừng” cho các hộ dân quản lý và khai thác. Hơn ai hết, chính những người dân ở trong vùng đó, họ hiểu rõ môi trường sinh thái, dòng nước, rạn đá và các loài sinh vật biển. Bao đời nay, chính họ đã giữ gìn vùng biển đó rồi.

Thứ hai, cấp hạn ngạch sản lượng khai thác cho từng tàu đánh cá xa bờ. Việc này các nước trên thế giới đã làm lâu rồi. Cấp hạn ngạch là biện pháp khai thác có kiểm soát từng địa phương, từng vùng biển, từng cảng cá. 

- Làm cách nào để biết được tàu nào đánh được sản lượng bao nhiêu tấn trong năm, thưa ông?

- Trung ương sẽ giao hạn ngạch sản lượng khai thác cho từng địa phương, từ đó, địa phương tính toán phân bổ cho từng tàu đánh cá. Tất cả được ghi trong giấy phép khai thác, thông qua cảng cá để quản lý chặt hạn ngạch, đồng thời cũng truy xuất được nguồn gốc cá khai thác ở vùng biển nào. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ điện tử vào quản lý cấp hạn ngạch, kết nối từ tàu đánh cá với cảng cá và cơ quan quản lý thủy sản.

- Xin cảm ơn ông!

Hải Luận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO