Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 01:26 GMT+7

Xử lý hành vi đưa thông tin sai sự thật về Covid-19

Biên phòng - Trong lúc hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ… không ngần ngại vất vả, hiểm nguy để tham gia phòng, chống dịch bệnh từ biên giới đến những khu vực cách ly thì có không ít cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng phát, chia sẻ nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác về tình hình dịch Covid-19. Điều đó đã gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

vjbe_6a
Công an huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang làm việc với các trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Theo thống kê của lực lượng Công an, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, đã có hơn 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn, gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã được đăng trên mạng xã hội. Trong đó, rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Tính tới thời điểm hiện tại, lực lượng Công an trên cả nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính hơn 150 đối tượng. 

Một số vụ việc điển hình như: Ngày 7-3-2020, Công an huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã phát hiện tài khoản Facebook “M.T.A.K.” đăng tải nội dung: “...Hà Nội phát hiện 3 ca dương tính đêm nay rồi đấy, Vĩnh Tuy 1, Bách Khoa 1, Trúc Bạch 1, ra khỏi nhà tránh các khu ấy ra nhé, chồng chị vừa đi họp khẩn về xong, run quá”. Qua xác minh, Công an huyện Chương Mỹ đã triệu tập chủ tài khoản Đ.H.Y, 30 tuổi, trú tại Mỹ Lương, Chương Mỹ để làm rõ vụ việc. Tại cơ quan Công an, chủ tài khoản thừa nhận hành vi vi phạm và xóa bỏ bài viết của mình. 

Ngày 28-3-2020, Công an huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với Chu Thị Hợp, 33 tuổi, trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng vì hành vi đăng thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội. Trước đó, vào hồi 1 giờ, ngày 28-3-2020, Hợp dùng tài khoản Facebook cá nhân có tên Chu Hop đăng nội dung: “Toang thật rồi. Đại Bản nhà tôi ở đấy! Covid ơi, mày biến về Trung Quốc đi”.

Gần đây, ngày 1-4-2020, Công an huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã xử phạt 8 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp là giáo viên đăng tải thông tin không đúng sự thật về dịch Covid-19. Trước đó, trong các ngày từ 27 đến 29-3-2020, các đối tượng trên đã sử dụng tài khoản Facebook và Zalo cá nhân đăng tải thông tin có các nội dung như: “Toang thật rồi, ông giáo ạ”, “Nghe nói trên Bắc Mê có một người đã dính Covid-19 rồi, các bác ạ...”. Những thông tin trên đã gây hoang mang trong dư luận, Công an huyện Bắc Mê đã tiến hành xác minh và kết luận, tất cả đều không đúng sự thật.

Những trường hợp phát tán thông tin thất thiệt, không chính xác nêu trên không chỉ gây hoang mang trong dư luận, mà còn gây tâm lý bất an cho xã hội và cộng đồng. Cũng vì chính những thông tin thiếu kiểm chứng này mà một bộ phận người dân lo lắng, hoang mang đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực, thực phẩm về dự trữ. Bên cạnh đó, không ít người đã cố tình bịa đặt đưa thông tin sai sự thật để trục lợi bất chính,  với các chiêu trò nhẫn tâm, vô đạo đức. Điển hình là hành vi mua, bán hàng giả, hàng kém chất lượng; găm hàng, nâng giá các sản phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch; loan tin đồn nhảm để người dân lo lắng đua nhau đi mua hàng tích trữ với mục đích bán được nhiều hàng...

Để chung tay ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thiết nghĩ, trước hết, bản thân mỗi người dân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Thay vì đổ xô đi tích trữ thực phẩm, chúng ta nên hạn chế tới nơi đông người, chủ động khai báo y tế trung thực khi có dấu hiệu nghi nhiễm, thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và giữ vững niềm tin vào sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của Chính phủ. 

Ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 45/TANDTC-PC gửi Chánh án Tòa án nhân dân các cấp; Chánh án Tòa án quân sự các cấp; thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Nội dung công văn nêu rõ, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, BLHS.

Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, BLHS.

Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, BLHS.

Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trái phép nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188, BLHS.

Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196, BLHS.

Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330, BLHS.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO