Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 06:47 GMT+7

Xóa “điểm nóng” ma túy trên khu vực biên giới Sơn La

Biên phòng - Hàng chục năm nay, khu vực biên giới tỉnh Sơn La luôn là trọng điểm về tội phạm ma túy, các đối tượng hình thành các toán, nhóm mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang. Quá trình di chuyển, chúng luôn sẵn sàng nổ súng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Sau những đợt truy quét quyết liệt của BĐBP Sơn La và các lực lượng chức năng, các đối tượng đã co cụm, hoạt động kín đáo với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn bức tranh tổng thể của tội phạm ma túy trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La.

nhtw_17a
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La. Ảnh: Lê Đồng

- Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát về hoạt động mua bán, vận chuyển của các toán, nhóm ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La trong thời gian qua cũng như phương thức, thủ đoạn của các đối tượng?

- Tỉnh Sơn La có 274,056km đường biên giới trải dài qua 69 bản thuộc 17 xã, 6 huyện biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào), với địa hình núi cao hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già, với hàng trăm đường mòn, tiểu ngạch, khiến tuyến biên giới nơi đây trở thành địa bàn trọng điểm về hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy.

Phía bên kia biên giới, nguồn ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Bắc Lào về tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Tại đây, ma túy được tập kết ở trong các hang động hoặc trong các nhà dân ở các bản người Mông, người Lào sống dọc biên giới, trọng điểm như các bản Muống, Huổi Hiềng, Pưng, Pa Háng, Pha Khôm Nọi, khu Pa Háng-Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn.

Lợi dụng tính chất phức tạp của địa bàn và mối quan hệ thân tộc, dòng họ hai bên biên giới, các đối tượng hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang được tổ chức chặt chẽ, với nhiều đối tượng cả trong và ngoài biên giới tham gia, với phương thức, thủ đoạn hoạt động không theo quy luật, thời gian nhất định.

- Để triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia được tổ chức chặt chẽ, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh, BĐBP Sơn La đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Xác định công tác đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã đưa nội dung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy hàng quý, hàng năm và xây dựng nghị quyết chuyên đề. Qua đó, đã xây dựng nhiều kế hoạch định kỳ, cao điểm, chuyên đề đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, phương án lớn để giải quyết tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới như: Kế hoạch 1048, Kế hoạch 892, Phương án 3597 của Bộ Tư lệnh BĐBP, Kế hoạch SH09 của UBND tỉnh Sơn La, Phương án 279 của Công an tỉnh Sơn La...

Cùng với đó, BĐBP Sơn La đã tăng cường lực lượng bám nắm tình hình địa bàn, làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy. Chú trọng sử dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, trong năm 2018, BĐBP Sơn La đã triển khai hiệu quả Kế hoạch 892/KH-BTL ngày 26-3-2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Qua đó, đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang qua địa bàn.  

- Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy tuyến biên giới tỉnh Sơn La thời gian qua còn gặp không ít khó khăn. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này?

- Thời gian qua, các toán nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, với quy mô ngày càng lớn.  Khi thực hiện giao dịch, các đối tượng rất thận trọng, sử dụng nhiều người tham gia, phân công nhiệm vụ cho các đối tượng theo từng công đoạn cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, mỗi lần giao dịch “hàng” với số lượng lớn, chúng thường sử dụng vũ khí nóng, trong quá trình giao dịch, nếu xảy ra bất trắc, chúng sẵn sàng nổ súng chống trả quyết liệt lực lượng làm nhiệm vụ. 

04n5_17b
Đối tượng Giàng A Dủa cùng tang vật 17 bánh heroin trong Chuyên án 107L, bị BĐBP Sơn La phối hợp với các lực lượng chức năng bắt ngày 20-4-2019. Ảnh: Lê Đồng

- Để đạt kết quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, BĐBP Sơn La sẽ thực hiện những công tác trọng tâm nào?

- Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, năm 2019 và những năm tiếp theo, BĐBP Sơn La sẽ tập trung tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật ở các địa bàn trọng điểm về ma túy, mở cuộc vận động chính trị tấn công, tố giác, giáo dục, cảm hóa tội phạm. Chủ động xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, đổi mới phương thức, tích cực nghiên cứu, tìm tòi cách đánh mới, với phương châm “tích cực tấn công, chủ động phòng ngừa”, trong đó, chủ động phòng ngừa là chính, đặc biệt, phòng ngừa từ xa, nhằm phát hiện, ngăn chặn các đối tượng, đường dây. 

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Từ tháng 9-2018 đến nay, BĐBP Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, phát hiện, xử lý 80 vụ/96 đối tượng có liên quan đến ma túy, trong đó, BĐBP Sơn La đã xác lập, đấu tranh thành công 5 chuyên án. Tang vật thu giữ gồm: 55 bánh heroin, 148.791 viên ma túy tổng hợp, 3,3kg ma túy tổng hợp dạng đá, 4.837,55g nhựa thuốc phiện, 1 khẩu súng, 3 viên đạn và nhiều tang vật khác có liên quan. 

Lê Đồng (Thực hiện)

Bình luận

ZALO