Biên phòng - Trước những diễn biến phức tạp về an ninh xuất hiện mới đây, truyền thông quốc tế cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thu xếp để tổ chức một cuộc họp Ngoại trưởng ba nước, dự kiến diễn ra trong tháng 4 năm nay.

Theo giới quan sát an ninh, chính trị quốc tế, cuộc gặp dự kiến này sẽ là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn hội đàm kể từ khi chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức từ tháng 1. Giới quan sát chính trị châu Á cho rằng, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc hiện nay vẫn ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do bất đồng sâu sắc về hậu quả chiến tranh, dẫn tới hàng loạt các hành động leo thang căng thẳng, trong khi Mỹ được xem là sợi dây liên kết Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cho thấy nỗ lực “hàn gắn” những rạn nứt trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 quốc gia đồng minh chủ chốt gắn liền với lợi ích an ninh của Mỹ.
Thông tin về Hội nghị Ngoại trưởng dự kiến này được tiết lộ vào thời điểm Triều Tiên vừa tiến hành liên tiếp 2 vụ thử nghiệm tên lửa mới vào cuối tháng 3, sau 1 năm không có hành động quân sự đáng chú ý nào. Chính quyền Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm công nghệ quân sự mới được phát triển, gây nên sự phẫn nộ lớn từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ quan ngại về hành động của Triều Tiên thì Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đáp trả phù hợp với bất kỳ hành động leo thang nào tiếp theo.
Phản ứng từ phía Triều Tiên, đầu tuần này, bà Kim Yo-jong, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Bộ Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, việc thử nghiệm tên lửa mới đây của Triều Tiên là quyền tự vệ hợp pháp của đất nước này. Đồng thời, bà Kim Yo-jong cũng dành nhiều lời lẽ nặng nề chỉ trích nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
Trong khi đó, giới quan sát đánh giá, thái độ của Triều Tiên đối với Mỹ tương đối kiềm chế bởi, Triều Tiên vẫn muốn có “đường lùi” để đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, cũng trong đầu tuần này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên rằng, Tổng thống Biden chưa có ý định ngồi lại với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Việc thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên được giới chuyên gia nhìn nhận rằng, Triều Tiên không chỉ thử nghiệm tên lửa như trước mà còn đang thử nghiệm ý chí của quốc tế, nhất là khi Triều Tiên cho thấy sự gia tăng về kho vũ khí cũng như công nghệ sản xuất vũ khí. Năng lực về vũ khí của Triêu Tiên đang gây ra mối đe dọa đáng kể đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả lục địa Mỹ. Nhiều nhà quan sát khu vực coi các vụ thử gần đây là một thông điệp gửi tới chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, ông Biden không đánh giá cao các vụ thử tên lửa hành trình, thậm chí cho rằng, "không có gì mới”.
Trái ngược với quan điểm này, nhiều chuyên gia quân sự bày tỏ sự quan ngại về công nghệ vũ khí của Triều Tiên hiện nay khi đang cho thấy khả năng tấn công mục tiêu ngày càng chính xác và hiện đại hơn so với các chủng loại trước đây. Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn tin từ các nhà phân tích cho hay, Triều Tiên có thể đã có hơn 60 vũ khí hạt nhân và đã thử nghiệm thành công tên lửa có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Khoảng 1 năm trở lại đây, vấn đề Triều Tiên khá “im ắng” nhưng nay đã một lần nữa “trỗi dậy” để trở thành mối quan tâm hàng đầu của quốc tế. Mỹ - Nhật Hàn lâu nay vẫn coi Triêu Tiên là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Hội nghị Ngoại trưởng ba nước nêu trên được giới quan sát nhìn nhận là một động thái “xích lại gần nhau” nhằm tăng cường hợp tác để ứng phó trước những diễn biến phức tạp về an ninh.
Giới chuyên gia an ninh quốc tế tin rằng, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, song, sẽ thỏa hiệp vì lợi ích loại bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế với nước này. Dù chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa rõ sẽ có đối sách nào với Triều Tiên nhưng động thái Mỹ - Nhật - Hàn cùng tìm sách lược về an ninh tại bán đảo Triều Tiên sẽ gợi mở ra những tín hiệu lạc quan hơn.
Thanh Trúc