Biên phòng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

70ha rừng trồng thông cháy rụi
Trong các ngày từ 26 đến 28-6-2020, tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra cháy rừng các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Can Lộc với diện tích cháy khoảng trên 70ha rừng trồng thông, keo của hộ gia đình, do nắng nóng, gió thổi mạnh, đảo chiều liên tục, đám cháy liên tiếp bùng phát trở lại, việc dập lửa chủ yếu là bằng phương pháp thủ công, nên các vụ cháy mất nhiều thời gian mới được dập tắt.
Khi có cháy rừng xảy ra, các địa phương đã tổ chức huy động hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy gồm các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, chủ rừng và người dân tại địa phương. Khu vực rừng bị cháy giáp với khoảng 50 hộ dân của xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp cận, tập trung khống chế những điểm cháy để không làm ảnh hưởng tới người dân. Ngay trong đêm 26-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm cử thêm lực lượng, máy móc, phương tiện chữa cháy vào hiện trường để hỗ trợ địa phương chữa cháy rừng (trước đó đã có một tổ ứng trực tại tỉnh Nghệ An từ ngày 22-6-2020).
Đến sáng 27-6-2020, lãnh đạo Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến hiện trường cùng địa phương chỉ đạo, phối hợp dập tắt đám cháy và đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục cử lực lượng ở lại hiện trường để đề phòng đám cháy bùng phát trở lại, đồng thời xác định nguyên nhân, diện tích thiệt hại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Đánh giá mức độ thiệt hại về rừng, đề xuất phương án phù hợp để khôi phục diện tích rừng bị cháy; Tổ chức họp đánh giá, kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong quá trình chữa cháy rừng.
Tạm thời ngừng các hoạt động đốt nương làm rẫy
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhiệt độ trung bình trong năm 2020 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10oC đến 20oC, cụ thể trong tháng 7 và tháng 8 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40oC, tình trạng khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương thực hiện thực hiện nghiêm công điện số 776/CĐ-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Duy trì trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24; liên tục dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng thông báo kịp thời đến cơ sở để kiểm tra, xác minh; theo dõi, đôn đốc thường xuyên các địa phương có vùng trọng điểm cháy rừng.
Chỉ đạo Cục Kiểm lâm tiếp tục duy trì tăng cường thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng hỗ trợ tại các địa phương sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra.
Chủ động tổ chức các tổ công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra và hỗ trợ các địa phương trong công tác chữa cháy rừng.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí phát bản tin cảnh báo cháy rừng và tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có rừng rà soát kỹ phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì chế độ thường trực, bảo đảm thông tin thông suốt và kịp thời các vụ cháy rừng tại địa phương về Cục Kiểm lâm (cơ quan thường trực về phòng cháy chữa cháy rừng), để theo dõi và kịp thời chỉ đạo.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; tạm thời ngừng các hoạt động đốt nương làm rẫy trong những ngày có nguy cơ cháy rừng cao; thực hiện các biện pháp an toàn khi tiến hành xử lý thực bì sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động, triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng của người dân. Chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng và điểm cháy từ ảnh vệ tinh trên trang Website của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, xác minh cháy rừng và có biện pháp ứng phó, chữa cháy kịp thời.
Bích Nguyên