Biên phòng - Ngày 11-2, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết số lượng phương tiện chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tính đến 8 giờ ngày 11-2 là 1.646 xe, tăng 132 xe so với thời điểm sáng ngày 10-2.

Với số lượng xe hàng tồn tại cửa khẩu đều tăng hơn 100 xe mỗi ngày trong những ngày gần đây, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Hiện tại, năng lực thông quan tại 3 cửa khẩu trên đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong ngày 10-2 có 63 xe hoa quả được xuất khẩu và 207 xe nhập khẩu. Tổng số phương tiện quay đầu về nội địa là 4 xe. Trong khi đó, có tới 148 xe hàng hóa mới từ nội địa lên.
Tổng số phương tiện tồn đến 8 giờ ngày 11-2 tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị là 887 xe, trong đó có 733 xe hoa quả.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, ngày 10-2 chỉ có 32 xe được thông quan xuất khẩu. Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên là 83 xe (thanh long, dưa hấu, xoài, tinh bột sắn).
Tính đến 8 giờ sáng ngày 10-2, còn tồn 757 xe hàng hóa, bao gồm 657 xe hoa quả, 74 xe hàng nông sản và 26 xe chở các mặt hàng khác. Còn cửa khẩu chính Chi Ma vẫn chưa phát sinh hoạt động xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong số hơn 1.600 xe tồn tại các cửa khẩu có tới 1.390 xe hoa quả. Thực tế, trong những ngày qua, mỗi ngày chỉ có khoảng 90 xe hàng hóa được thông quan xuất khẩu, cá biệt, ngày 7-2 có 120 xe hàng hóa xuất khẩu tuy nhiên lượng xe hàng mới từ nội địa lên cao hơn từ 1,5 đến 2 lần số xe xuất. Cụ thể, ngày 6-2 có 163 xe hàng hóa mới từ nội địa lên, con số này tăng lên trong những ngày sau đó với 172 xe (ngày 7-2); 199 xe (ngày 8-2); 245 xe (vào ngày 9-2) và 231 xe (ngày 10-2).
Hiện tại, Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược “Zero Covid”, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, Trung Quốc cũng áp dụng các quy định, chính sách mới liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nhập khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng, gián đoạn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, đóng gói, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của Trung Quốc.
Bích Nguyên