Biên phòng - Con em làng Linh Chiểu lớn lên, trân quý nghề làm bún truyền thống của ông cha, nhưng ít ai muốn gắn bó với nghề. Vậy mà, có 3 chàng trai là thạc sĩ, cử nhân đã quyết định rời xa công việc ổn định với mức lương cao, tạm biệt phố phường để về quê gắn bó với cái nghề lắm vất vả, lại khó sang giàu này. Tất cả đều xuất phát từ ước vọng nâng tầm nghề làm bún truyền thống của quê hương.
Rời phố về quê làm bún
Bố mẹ của Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, Nguyễn Phước Ánh và Nguyễn Hữu Vinh đều cay cay khóe mắt khi thấy con ngồi ngâm gạo, xay bột, sản xuất bún. Hàng chục năm gắn bó với cái nghề nhiều vất vả, khó làm giàu này, các ông bà đều mong con cái tốt nghiệp cao đẳng, đại học và tìm được một công việc ổn định để không phải tảo tần như mình. Vậy mà, khi đã cán đích, con em họ lại từ bỏ tất cả để trở về với nghề làm bún truyền thống của làng. Không khỏi thất vọng vì điều này, nhưng khi thấy Cảnh, Ánh, Vinh đều đam mê và quyết tâm nâng tầm nghề sản xuất bún, bố mẹ các chàng trai mới phần nào yên lòng.
Trong xưởng bún sạch tinh tươm, Cảnh, Ánh và Vinh (cùng trú tại làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đang khẩn trương đóng gói mẻ bún vừa sản xuất. Thời thơ ấu, có lần cô giáo hỏi: "Lớn lên, em thích làm nghề gì?", Cảnh bảo ngay: "Thưa cô! Em thích làm bún". Câu trả lời ấy khiến các bạn trong lớp cười rộ lên. Thậm chí, một số bạn còn chế giễu ước mơ dung dị của cậu học trò này. Sau này, khi đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, vào làm việc cho một công ty nước ngoài tại tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi tiếp tục theo học thạc sĩ, ký ức thời thơ bé vẫn in sâu trong lòng Cảnh. Cậu luôn trăn trở khi thấy nhiều người dân trong làng tự ti với chính cái nghề truyền thống đã nuôi lớn, giúp mình có được tri thức như ngày hôm nay.
Câu chuyện của Cảnh nhận được sự đồng cảm đặc biệt từ hai cậu bạn Ánh và Vinh. Ở quê, hai thanh niên này là họ hàng gần. Cụ cố của hai cậu chính là người đưa nghề bún về để vực dậy miền quê nghèo Linh Chiểu. Mỗi lần cùng bố mẹ miệt mài làm bún, Cảnh và Ánh lại nghe lời nhắn nhủ: "Đây là nghề của tiên tổ để lại, cố mà giữ lấy nghe con". Giống như hai người bạn nối khố, Vinh cũng có những ký ức khó quên với nghề làm bún. Trước kia, gia đình Vinh thuộc diện "nghèo bền vững". Tuy nhà làm bún nhưng món ăn này được xem là "xa xỉ phẩm" đối với Vinh và các anh, chị, em của mình. "Thông thường chỉ ngày lễ, Tết hoặc khi mẹ bán ế, chúng mình mới được ăn bún. Vì thế, bún là cả giấc mơ thời thơ bé của mình" - Vinh giãi bày.
Chính những câu chuyện thời ấu thơ đã thúc giục Cảnh, Ánh, Vinh về quê, tìm cách nâng tầm nghề làm bún của làng. Bấy giờ, Vinh đang ở thành phố Hồ Chí Minh, gắn bó với công việc thiết kế, đồ họa trong một công ty do mình chung tay sáng lập. Ánh làm cơ khí ở Đà Nẵng với mức lương ổn định. Ngày đầu tiên về quê và ngồi lại bàn kế hoạch làm ăn, họ bảo nhau rằng: "Bao năm nay, nghề làm bún đã không phụ lòng người dân làng Linh Chiểu. Bằng chứng là có biết bao con em trong làng bún đỗ đạt, thành tài. Thế nhưng, tại sao ngày có càng nhiều người quay lưng với nghề? Chúng mình phải cố gắng vực dậy làng nghề, nâng tầm sản xuất bún mà cha ông truyền lại".
Ước vọng nâng tầm nghề bún
Ngày Cảnh, Ánh và Vinh xách ba lô trở về quê, cả làng Linh Chiểu bàn tán râm ran. Một số bà con lắc đầu bảo, quyết định của các cậu là... dại dột. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, do không đủ năng lực để tìm được một công việc ổn định, lương cao nên Cảnh, Ánh và Vinh đành hồi hương. Đến khi ý tưởng về xưởng bún sạch đi vào hiện thực, số người động viên, ủng hộ các cậu mới ngày một tăng lên.
Gây dựng thương hiệu bún sạch Vạn Linh với vỏn vẹn 60 triệu đồng nên mọi thứ đều được 3 chàng trai họ Nguyễn tính toán chi li. Thế nhưng, họ không dè sẻn khoản tiền phục vụ cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Ánh chia sẻ: "Mình nghĩ, muốn làm bún sạch thì mọi phương tiện, dụng cụ trong xưởng cũng phải sạch. Chúng mình đảm bảo 3 nguyên tắc: Không hàn the, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng". Ngay cả vấn đề bảo vệ môi trường vốn là bài toán đau đầu của những làng nghề sản xuất bún cũng đang từng ngày được Cảnh, Ánh, Vinh dồn lực tháo gỡ. "Bước vào làm nghề bún, mình mới thấy những gì đã học trên giảng đường vô cùng giá trị. Chúng mình vận dụng được nhiều kiến thức trước đây từng nghĩ là không liên quan" - Vinh khẳng định.
Làng Linh Chiểu bé nhỏ, nhưng có đến hàng chục hộ dân làm bún. Xác định "sinh sau, đẻ muộn" nên những ông chủ trẻ của thương hiệu bún Vạn Linh đều hiểu cần nâng tầm việc sản xuất bún. Vì vậy, họ tích cực học hỏi kinh nghiệm làm nghề của người đi trước, trau dồi kiến thức. Cảnh lặn lội vào Huế tìm gặp các giảng viên chuyên ngành để hỏi cách ngăn vi sinh vật phát triển, qua đó tăng hạn sử dụng bún. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, 3 chàng trai trẻ chọn lựa và thành công với giải pháp hút chân không trong đóng gói. Ở công đoạn này, riêng việc chọn bao bì cũng đã lắm kỳ công. Họ phải gửi mua mẫu bao bì chuyên dùng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với giá thành cao gấp 3 - 5 lần so với nhiều loại khác.
Sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng vốn đã khó, giúp bún mang thương hiệu Vạn Linh đi xa lại càng gian nan hơn. Thời gian đầu, cả Cảnh, Ánh và Vinh phải rong ruổi khắp các phiên chợ, nhà hàng, quán nhậu... mời chào khách. Chướng ngại vật đầu tiên ngay lập tức xuất hiện trước mắt 3 chàng trai trẻ. Một số hộ kinh doanh không lành mạnh tung tin đồn sai sự thật, thậm chí, có người nhắn tin dọa dẫm các cậu. Trong khi đó, phần lớn khách hàng chưa quen với sản phẩm bún Vạn Linh. Một số người còn nhầm tưởng bún được đóng gói là... nấm. Cảnh chia sẻ: "Chúng mình tháo gỡ khó khăn từ từ, tuần tự từng bước. Trước tiên là công bố với khách hàng giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng do cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, anh em mình cũng sẵn sàng bán hàng theo hình thức ký gửi, giao tận nơi cho khách, mở rộng địa bàn kinh doanh, tranh thủ sức mạnh của mạng xã hội...".
Từ lúc bén duyên với nghề làm bún, quỹ thời gian nghỉ ngơi của Cảnh, Ánh và Vinh trở nên hạn hẹp. Mỗi ngày các cậu phải mất 7 - 8 tiếng đồng hồ cho 2 ca làm bún, chưa tính đến thời gian chuẩn bị nguyên liệu, đi giao hàng, maketing, dọn dẹp nhà xưởng... Điều khiến 3 chàng trai họ Nguyễn vui nhất là thương hiệu bún Vạn Linh dần có chỗ đứng trên thị trường. Trung bình mỗi ngày xưởng bún Vạn Linh đưa ra thị trường tầm 7 tạ bún, được đóng gói trong 2 loại bao bì. Bún Vạn Linh không chỉ được ưa chuộng trong tỉnh, mà còn vươn xa vào Huế, rồi ra Quảng Bình...
Câu chuyện 3 chàng thạc sĩ, cử nhân rời phố hội, bỏ qua nhiều cơ hội thành đạt để về quê làm bún lôi cuốn chúng tôi đến tận thời khắc chia tay. Lúc tiễn khách, Cảnh chia sẻ: Ngày xưa, ông bà, bố mẹ bọn em đã nhọc nhằn quang gánh, đem bún Linh Chiểu đi xa để mang miếng cơm, manh áo về cho gia đình. Hôm nay, bọn em quyết tâm đưa bún sạch Vạn Linh đến với mọi miền đất nước, thậm chí vươn ra nước ngoài. Chắc chắn, một ngày không xa cái nhìn của mọi người về làng nghề làm bún sẽ có nhiều thay đổi.
Quang Hiệp