Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Xây dựng văn hóa đọc để giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng

Biên phòng - Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bồi dưỡng đạo đức, tri thức cho bộ đội, thời gian qua, Trung tâm Huấn luyện BĐBP đã chú trọng duy trì xây dựng văn hóa đọc trong đơn vị. Qua đó, góp phần trang bị cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) có bản lĩnh chính trị vững vàng, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn, nâng cao “sức đề kháng” và tự “miễn dịch” trước thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong đơn vị.

Chiến sĩ trẻ của Trung tâm Huấn luyện BĐBP tranh thủ giờ nghỉ giải lao để đọc sách, báo. Ảnh: Đoàn Chung

Thượng tá Nguyễn Quốc Toàn, Chính ủy Trung tâm Huấn luyện BĐBP cho biết: “Thời gian qua, đơn vị chú trọng tổ chức, duy trì có nền nếp phong trào đọc sách, báo ở đơn vị, coi đây là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần, giúp bộ đội nâng cao nhận thức, hiểu biết về các lĩnh vực. Chúng tôi thường xuyên động viên, khuyến khích CBCS đọc sách, báo vào ngày nghỉ, giờ nghỉ; xây dựng kế hoạch cho bộ đội tham gia đọc sách, báo ở thư viện, phòng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, bảo đảm tài liệu, sách, báo đúng tiêu chuẩn tại Thông tư số 138/2020/TT-BQP, ngày 10-11-2020 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong QĐND Việt Nam”.

Tại phòng đọc của đơn vị hiện nay có khoảng gần 1.500 đầu sách với hơn 2.000 bản sách. Lượng sách luân chuyển giữa phòng Hồ Chí Minh, tủ sách, báo pháp luật của các đại đội là hơn 1.300 cuốn. Ngoài những đầu sách phục vụ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh của đơn vị còn có những loại sách lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, y học...

Trung tá Phạm Minh Thành, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Huấn luyện BĐBP giới thiệu: “Những năm gần đây, đơn vị đã tăng cường đầu tư, bổ sung thêm cơ sở vật chất cho hệ thống phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, gắn phong trào đọc sách, báo với mô hình “Hộp báo thao trường”, “Mỗi tuần một điều luật”. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin, học tập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kiến thức và trình độ mọi mặt cho bộ đội”.

Do đó, sau giờ giải lao trên thao trường của Trung tâm Huấn luyện BĐBP, quanh khuôn viên khu nhà ở, bên cạnh các hoạt động thể dục, thể thao, nhiều CBCS ngồi chăm chú đọc sách, báo. Cầm trên tay cuốn sách “Rèn binh luyện tướng”, Đại úy Nguyễn Văn Linh, Chính trị viên Đại đội 1 tâm sự: “Đọc nhiều sách, báo hay giúp bản thân tôi mở mang thêm nhiều kiến thức, rèn luyện tư duy. Sách là một món ăn tinh thần không thế thiếu đối với tôi”.

Hiện nay, tại các đại đội của Trung tâm Huấn luyện BĐBP đã thành lập các tổ, nhóm sách, báo với 3 đến 5 thành viên. Các nhóm này không chỉ có nhiệm vụ theo dõi, bảo quản, kiểm kê sách mà chính là hạt nhân tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc, phát huy tốt các vai trò như: Hướng dẫn chiến sĩ nghiên cứu nội dung sách về pháp luật, kiến thức về quân đội; khuyến khích chiến sĩ đọc sách bổ ích, thiết thực (kỹ năng sống, người tốt, việc tốt...); lồng ghép thêm nhiều hoạt động của đơn vị với nội dung các cuốn sách mà chiến sĩ cần đọc; ngăn chặn các sách, báo có nội dung xấu, độc thâm nhập vào đơn vị... Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chiến sĩ khóa huấn luyện Tiểu đội trưởng năm 2021 Lưu Văn Bắc, Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 2 say sưa đọc sách. Bắc chia sẻ: “Em tranh thủ giờ nghỉ đọc sách để lĩnh hội tri thức, kỹ năng sống. Em rất thích đọc sách và không ngờ ở phòng Hồ Chí Minh của đơn vị lại có nhiều sách hay như vậy”.

Trung tá Phạm Minh Thành cho biết: “Những cuốn sách ở thư viện của Trung tâm Huấn luyện BĐBP không chỉ giúp trang bị thêm kiến thức để CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn mở ra nhiều chân trời mới, thỏa chí khám phá, tìm hiểu, học tập của tuổi trẻ. Một nét độc đáo trong lan tỏa văn hóa đọc ở Trung tâm Huấn luyện BĐBP là các “Hộp báo thao trường” được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ ở ngay trung đội. Đó là chiếc tủ nhỏ đựng sách, báo do Trung đội trưởng trực tiếp quản lý; sách, báo được thay đổi hằng ngày và phân công chiến sĩ mang theo khi đi huấn luyện. Nhờ đó, mọi CBCS có thể đọc sách, báo ngay trên thao trường, bãi tập trong những giờ nghỉ giải lao. “Hộp báo thao trường” đã trở thành thư viện “di động”, thu hút nhiều độc giả, góp phần cập nhật thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, phẩm chất đạo đức, nhân cách sống cho bộ đội”.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên Câu lạc bộ-Thư viện, Ban Chính trị thông tin: “Hiện, thư viện đơn vị đang quản lý gần 1.500 đầu sách, đa dạng, phong phú về thể loại như: sách lịch sử, chính trị, nghệ thuật quân sự, văn học, kỹ năng sống... Mỗi ngày, thư viện phục vụ khoảng 20 lượt CBCS đến mượn sách và đọc sách. Khi đơn vị được tiếp nhận những loại sách mới, mình cùng đồng đội đều tranh thủ dành thời gian đọc trước để nắm nội dung cốt lõi rồi giới thiệu cho CBCS theo đúng nhu cầu học tập, nghiên cứu và thị hiếu giải trí của từng người. Những cuốn sách hay, mình sẽ trực tiếp thảo luận, trao đổi và tham mưu cho cơ quan chính trị giới thiệu sách thông qua truyền thanh nội bộ, bảng tin, sinh hoạt chính trị tư tưởng...”.

Nhấn mạnh về công tác xây dựng văn hóa đọc cho CBCS của Trung tâm Huấn luyện BĐBP, Thượng tá Nguyễn Quốc Toàn, Chính ủy Trung tâm Huấn luyện BĐBP khẳng định: “Bên cạnh việc huấn luyện các nội dung, kỹ thuật cơ bản điều lệnh cho chiến sĩ mới, đơn vị cũng xác định phải chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chiến sĩ mới thông qua các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Biện pháp mà đơn vị đã thực hiện thành công là gắn phòng học của bộ đội với phòng Hồ Chí Minh và phòng đọc làm một. Trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, chiến sĩ mới có thể ngồi tại phòng đọc của đơn vị mình đọc sách, tận dụng mọi thời gian có thể, để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, trau dồi thêm tri thức, từ đó, hạn chế tối đa sự vi phạm kỷ luật”.

Đoàn Chung

Bình luận

ZALO