Biên phòng - Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển đa dạng và phong phú với nhiều hình thức thể hiện sinh động và hấp dẫn. Song, không vì thế mà vai trò của văn hóa đọc mất đi tác dụng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, trong Quân đội nói riêng. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng văn hóa đọc như thế nào để cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức đề kháng trước mọi tác động xấu từ bên ngoài.

Hào hứng cho - nhận sách
Hình ảnh ấn tượng nhất với tôi khi dự khai mạc Tuần lễ văn hóa đọc năm 2019 và phát động phong trào tặng sách do Thư viện Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam vừa tổ chức là những chàng lính trẻ hào hứng lựa chọn những cuốn sách ưng ý tại quầy trao tặng sách. Không ít chiến sĩ mới đứng đọc ngay tại chỗ một cách say mê. Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực vì còn nhiều người trẻ mặn mà với văn hóa đọc.
Trò chuyện với chúng tôi, chiến sĩ Sa Văn Trà, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tới dự Tuần lễ văn hóa đọc. Tôi nghĩ đây là hoạt động rất hữu ích đối với những người lính trẻ tôi. Tôi vốn hay đọc sách, nhưng hôm nay tới đây, tôi thấy còn phải đọc nhiều hơn nữa, nhất là những sách về lịch sử, văn hóa để hiểu thêm những chiến công của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những năm trước đây, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Thư viện Quân đội thường tổ chức Ngày hội văn hóa đọc sách gói gọn trong một ngày. Tuy nhiên, nét mới của Ngày hội đọc sách năm nay là tổ chức thành Tuần lễ. “Năm nay, chúng tôi tổ chức với thời gian dài hơn và nhiều hoạt động hơn. Ngoài triển lãm sách, chúng tôi còn tổ chức giao lưu, tọa đàm và hoạt động bổ trợ để thu hút nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau, kể cả người nghỉ hưu, người đang công tác, học sinh, sinh viên và cả học sinh tiểu học” - Đại tá Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội cho biết.
Trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa đọc và phát động phong trào tặng sách bên cạnh việc giới thiệu những tác phẩm sách đặc sắc, Thư viện Quân đội dành nhiều đầu sách để tặng những người yêu sách với tinh thần “tặng sách là trao đi tri thức” nhằm khích lệ phong trào đọc sách. Việc Thư viện Quân đội tổ chức Tuần lễ văn hóa đọc năm 2019 là tiếp tục khẳng định giá trị, ý nghĩa văn hóa, sự cần thiết của Ngày Sách Việt Nam trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và quân đội nói riêng.
Trao đổi với chúng tôi về xây dựng văn hóa đọc trong quân đội, Đại tá Huệ cho hay, Thư viện Quân đội là đơn vị đầu tiên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam để các đơn vị trong toàn quân làm theo. Mỗi lần tổ chức Ngày hội văn hóa đọc, các đơn vị có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Có thể là các tiểu đội, đại đội luân phiên nhau tới tham dự ngày hội để cán bộ, chiến sĩ tham quan, đọc sách. Sau triển lãm, các đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ viết bài thu hoạch, kể lại cuốn sách yêu thích. Do đó, Ngày hội đọc sách có hiệu ứng rất lớn, khơi gợi tinh thần yêu thích sách của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Phát triển giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh
Đề cập đến văn hóa đọc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: “Những cuốn sách tốt, lành mạnh, gồm những tri thức tiến bộ của nhân loại là một phương tiện truyền bá thông tin, kiến thức, tri thức, góp phần nâng cao văn hóa đọc, giúp hình thành nên những công dân hiểu biết, trí tuệ và là nền tảng xây dựng nguồn thông tin phù hợp cho từng đơn vị quân đội”.
Thực tế, trong môi trường quân đội, sách, báo giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích với cuộc sống và phục vụ cho thực hiện nhiệm của Quân đội và từng đơn vị. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mang lại nhiều phương tiện tiếp cận thông tin hiện đại, sinh động như hiện nay, đang đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển văn hóa đọc.
Đặc biệt, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm hiểm. Trong đó có sách báo, phim ảnh, tài liệu xấu độc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, đang được chúng sử dụng như một vũ khí lợi hại hòng phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi xấu chế độ XHCN, kích động bạo lực, tuyên truyền lối sống thực dụng làm xói mòn lòng tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng để thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ XHCN của chúng ta.
“Bằng sách báo cách mạng, nguồn thông tin chính luận, chúng ta phải trang bị cho cán bộ, chiến sĩ có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn, đủ sức đề kháng trước mọi tác động xấu từ bên ngoài để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong QĐND Việt Nam” - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, xây dựng phong trào đọc sách báo sâu rộng trong quân đội là nhiệm vụ thường xuyên của các thư viện. Trách nhiệm của Thư viện Quân đội và hệ thống thư viện, phòng dọc trong toàn quân là phải nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Các thư viện cần tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động sách báo sinh động, thiết thực, phù hợp với đặc điểm thực tế của các cơ quan, đơn vị đáp ứng được yêu cầu đọc của bộ đội, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần.
Cùng bàn về cách thôi thúc các bạn trẻ đến với thư viện, đến với các trang sách và khôi phục văn hóa đọc cho các bạn trẻ hiện nay, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã đưa ra lời khuyên vô cùng giản dị: “Chúng ta hãy xây dựng thói quen đọc sách. Trong Quân đội có tổ tam-tam, tức là tổ 3 người bạn thân nhau hãy cùng đọc sách, mỗi người đọc một cuốn và trao đổi với nhau. Các bạn hãy đọc lại nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và hãy đọc những quyển sách mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã đọc, đó là tác phẩm kinh điển “Thép đã tôi thế đấy”, “Bông hồng vàng”, “Cánh buồm đỏ thắm”..., hãy hát những bài hát chị Trâm đã hát. Đó chính là con đường dễ nhất để người chiến sĩ xây dựng cho mình một tinh thần, ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị vững vàng”.
Thu Hằng