Biên phòng - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn bộ đội ta là phải làm sao cho dân tin, dân mến, dân yêu thì dân sẽ giúp đỡ và như vậy thì việc gì cũng thành công... Tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Hồ Chủ tịch đến dự và huấn thị: “Công an Biên phòng phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta”... Suốt chặng đường lịch sử xây dựng, phấn đấu và từng bước trưởng thành, BĐBP đã thấm nhuần lời dạy của Bác và coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Tình cảm quân dân nơi biên giới được kết tinh từ niềm tin, tình cảm yêu thương gắn bó giữa BĐBP với đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo nên sức mạnh to lớn giúp lực lượng BĐBP vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những thành tựu to lớn đó có vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ các cấp trong BĐBP, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT). Đại bộ phận CBCT trong BĐBP được tôi luyện, trưởng thành qua thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần độc lập tự chủ, trung thành với lý tưởng cách mạng, có ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, đội ngũ CBCT các cấp trong BĐBP đã thích nghi hơn với cơ chế thị trường, tích lũy thêm kinh nghiệm; khả năng cụ thể hóa đường lối, chủ trương được nâng lên rõ rệt; tính chủ động, sáng tạo được phát huy; sự giáo điều, thụ động từng bước được khắc phục... Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, đội ngũ CBCT đã bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm cả về phẩm chất, năng lực và uy tín..., cần nhanh chóng khắc phục. Để củng cố, xây dựng và nâng cao uy tín cán bộ, giữ vững vai trò định hướng về tư tưởng chính trị ở các cơ quan, đơn vị BĐBP, đòi hỏi đội ngũ CBCT phải thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Một là, luôn trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Phẩm chất, đạo đức là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị. Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, là một thành tố rất quan trọng trong nhân cách người cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, “Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người cán bộ nói chung và đội ngũ CBCT trong BĐBP nói riêng được thể hiện ở lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, coi trọng hàng đầu việc trau dồi phẩm chất chính trị, nhưng cũng phải củng cố, phát triển đạo đức cách mạng nhằm xây dựng đội ngũ CBCT trong BĐBP thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lối sống, tạo sức lan tỏa và khả năng cuốn hút đối với quần chúng...
Hai là, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực hoạt động thực tiễn. Uy tín cán bộ là tổng hợp những thành tố phẩm chất, năng lực của người cán bộ được biểu hiện bằng sự cống hiến và ảnh hưởng của họ đối với xã hội, với cộng đồng, tập thể... Uy tín của người cán bộ được đo bằng lòng tin của cấp trên và quần chúng. Uy tín người cán bộ biểu hiện trên cả 3 yếu tố: Phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ. Sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong BĐBP, trong đó có CBCT phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt và năng lực hoạt động thực tiễn... Có như vậy, đội ngũ CBCT trong BĐBP mới có thể đáp ứng yêu cầu người chủ trì về công tác chính trị, thật sự xứng đáng với vai trò định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới. Như vậy mới được nhân dân tín nhiệm, mến phục, mới tạo sức ảnh hưởng rộng và khả năng lôi cuốn quần chúng mới mạnh mẽ....
Ba là, đổi mới tác phong, phương pháp công tác. Đội ngũ CBCT trong BĐBP là người chủ trì và trực tiếp thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị trong các cơ quan, đơn vị... Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện mới thì không có cách nào khác, đội ngũ CBCT phải đổi mới phong cách, tác phong công tác cho phù hợp. Tác phong công tác khoa học, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trên cơ sở chương trình, kế hoạch chặt chẽ; phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng và xuất phát từ lợi ích của tập thể, của xã hội; hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Đó là nội dung cốt yếu trong phong cách lãnh đạo mà không ít cán bộ ta chưa làm tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”.
Vấn đề uy tín cán bộ, theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt; nhất là, trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Cái nhìn khách quan, trung thực nhất đối với cán bộ là từ con mắt của dân; lòng dân là thước đo chuẩn mực, chính xác nhất đối với uy tín cán bộ và tài sản lớn nhất của cán bộ cũng chính là lòng dân. Để có được niềm hạnh phúc từ nơi dân thì mọi suy nghĩ, hành động của cán bộ phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, không vụ lợi, luôn đặt mình vào vị trí công bộc của dân.
Dưới ánh sáng tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong BĐBP, nhất là đội ngũ CBCT phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao uy tín của mình trước tập thể, trước nhân dân.
Đại tá, PGS.TS Phạm Công Chiển