Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Xây dựng tiềm lực hậu cần thích ứng với tình hình mới

Biên phòng - Thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành hậu cần BĐBP thành phố (TP) Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ trong thế trận quốc phòng toàn dân. Việc đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, sinh hoạt, học tập của bộ đội đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển, đảo Tổ quốc.

Khu tăng gia sản xuất tại xã Hòa Bắc của BĐBP TP Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Thực tế công tác cho thấy, yêu cầu về tổ chức đảm bảo hậu cần ngày càng cao, nhất là trong huấn luyện, cơ động lực lượng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng chủ động phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hậu cần của BĐBP TP trong khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Đó là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình hậu cần, tập trung vào thực hiện tốt công tác hậu cần các đơn vị tuyến trọng điểm, đồng thời, tổ chức duy trì đủ lượng vật chất, trang bị hậu cần, sẵn sàng chiến đấu và quản lý, bảo quản luân phiên, không để xảy ra hư hỏng, thiếu hụt.

Điểm nhấn là đã phối hợp, tham mưu, đề xuất với Thành ủy, UBND TP quy hoạch đầu tư, xây dựng khu căn cứ hậu cần tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Tại đây, mô hình trang trại chăn nuôi heo tập trung kết hợp với bảo vệ và khai thác rừng tạo nguồn thu ổn định cho BĐBP TP, góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận khu vực phòng thủ của địa phương. Tính từ năm 2016 đến nay, khu căn cứ hậu cần Hòa Bắc đã xuất chuồng được 14.501 con heo, trọng lượng 1.479,1 tấn, nhập nguồn kinh phí tăng gia sản xuất của Bộ Chỉ huy BĐBP TP 2,3 tỷ đồng.

Các đơn vị luôn quan tâm thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, chất lượng bữa ăn cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi luôn được quan tâm, thể hiện qua việc cấp ủy, chỉ huy đơn vị khai thác triệt để thế mạnh tại chỗ của từng đơn vị, lựa chọn vật nuôi, cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tăng gia sản xuất; chú trọng sử dụng các loại cây trồng ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu rau xanh đạt trên 70%, thịt gia súc, gia cầm đạt trên 60% cho bếp ăn đơn vị.

Điển hình: Mô hình rau thủy canh của Đồn Biên phòng Non Nước, mô hình nuôi cá trê của Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng... Bằng việc chủ động khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ, các đơn vị đã nỗ lực, sáng tạo trong chế biến, tiếp phẩm, đưa vào ăn thêm bình quân đạt 4.000 đồng/người/ngày.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo hậu cần cho công tác sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND TP trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, chú trọng phát triển các công trình mang tính lưỡng dụng bảo đảm cho tác chiến phòng thủ. Bằng việc huy động các nguồn lực của địa phương và Trung ương, BĐBP TP Đà Nẵng đã xây dựng và nâng cấp, cải tạo doanh trại trị giá gần 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng chú trọng việc dự trữ vật chất, trang bị hậu cần, đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đồng thời, kịp thời điều chỉnh các kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các phương án tác chiến.

Đồn Biên phòng Sơn Trà luôn quan tâm tới chất lượng bữa ăn của bộ đội. Ảnh: Trúc Hà

Về công tác quân y, các đơn vị làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch 2-3 đợt mỗi năm. Trong 10 năm qua, quân số khỏe BĐBP TP Đà Nẵng luôn đạt mức hơn 98,5%. Bên cạnh đó, công tác kết hợp quân dân y thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe cộng đồng, đã khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khỏe cho các đối tượng chính sách không chỉ ở địa bàn khu vực biên giới biển mà nội địa (là xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đạt gần 4.000 người, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Dịch Covid-19 bùng phát và TP Đà Nẵng liên tục trở thành ổ dịch đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành hậu cần BĐBP TP Đà Nẵng. Lực lượng quân y không chỉ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị, mà còn tăng cường lực lượng cho địa phương, đặc biệt là làm nhiệm vụ tại các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Trung tá Trần Đức Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP TP Đà Nẵng cho biết: “Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã tạo sự chuyển biến cơ bản và vững chắc, duy trì công tác hậu cần để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian tới, ngành hậu cần BĐBP TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục bám chắc nghị quyết, thực hiện “tiêu chí công tác hậu cần, tài chính trong các cơ quan, đơn vị BĐBP TP Đà Nẵng” theo kế hoạch hàng năm để bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các mặt công tác hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất trong mọi tình huống”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO